fnb_director_logo_2024_ap_dung_nen_sang_mau_1500
horeca_business_school

Điểm mặt 5 phương pháp định giá doanh nghiệp thường dùng

Nhắc đến những khái niệm mơ hồ trong giới đầu tư, không thể không kể đến khái niệm “giá trị doanh nghiệp”. Làm sao để gán giá trị cho doanh nghiệp khi mà nó là tập hợp của muôn vàn thành cấu hữu hình và vô hình? Dẫu cực kỳ khó để đưa ra một mức định giá chính xác, và thực tế là chẳng ai biết thế nào mới là chính xác, nhưng việc xác định được giá trị công ty là bước then chốt trong quá trình đầu tư. Các bên dựa vào giá trị công ty và lượng tiền đầu tư để xác định cổ phần của mình trong công ty và mức định giá mới; rồi lại dựa vào cổ phần để xác định những thứ quan trọng khác như mức cổ tức, quyền biểu quyết,...

Có rất nhiều phương pháp được đưa ra để xác định một cách tương đối giá trị của công ty. Và bạn nên lưu ý rằng, mỗi phương pháp có thể cho ra mức định giá khác nhau, nên việc hiểu rõ từng phương pháp định giá sẽ giúp bạn bảo vệ được giá trị công ty mình trước các nhà đầu tư (lưu ý rằng các nhà đầu tư sẽ cố hạ giá trị công ty bạn để làm tăng cổ phần của họ trong công ty).

 

Dưới đây ThinkZone tổng hợp 5 phương pháp thông dụng thường được các quỹ đầu tư sử dụng.

 

Lưu ý rằng việc định giá doanh nghiệp luôn mang tính chủ quan, bởi bao hàm trong nó là rất nhiều đánh giá định tính, cho dù doanh nghiệp có cung cấp nhiều báo cáo định lượng như thế nào. Chính bởi tính chủ quan như vậy, nên với một số loại doanh nghiệp, đặc biệt là startups, các quỹ thường áp dụng nhiều phương pháp đánh giá khác nhau để đưa ra được con số phù hợp nhất có thể. 

 

1. PHƯƠNG PHÁP SO SÁNH (COMPARABLES METHOD)

Đây là phương pháp đơn giản nhất: Tìm một công ty tương tự với công ty mà bạn đang định giá, rồi lấy giá trị công ty đó làm thước đo cho việc định giá.

 

Nguồn ảnh: Internet

 

Có những khía cạnh hay thông số giữa các startup tương tự nhau có thể so sánh với nhau được, như MAU (Monthly Active User), Churn rate (tỉ lệ rời bỏ của khách hàng), hay MRR (Monthly Recurring Revenue),...

“Startup X có giá trị 4 triệu USD, startup Y được đánh giá là tương tự startup X về mô hình và các chỉ số liên quan, vậy nên startup Y cũng được định giá 4 triệu USD”

 

Rõ ràng là phương pháp này cũng có rất nhiều hạn chế: 

➤ Không có nhiều startup thực sự đủ tương đồng với nhau để có thể được so sánh như trên

➤ Việc đánh giá dựa trên số ít yếu tố nên không đủ để đưa ra con số ước lượng chính xác nhất

 

Tuy nhiên với nhiều nhà đầu tư, đây là bước nền đầu tiên để họ định giá một startup, đặc biệt là những startup ở giai đoạn sớm chưa có doanh thu.

 

2. PHƯƠNG PHÁP BẢNG ĐIỂM (SCORECARD METHOD)

Đây là phiên bản chi tiết hơn của phương pháp so sánh được giới thiệu ở trên. Phương pháp này thường được sử dụng bởi các nhà đầu tư thiên thần để định giá một startup với một “startup trung bình” trong cùng ngành và khu vực.

 

Nguồn ảnh: Internet

 

Với phương pháp này, VC sẽ liệt kê từ 5-7 tiêu chí đánh giá với các trọng số khác nhau, rồi đánh giá từng tiêu chí so với các đơn vị trong ngành, và tính tổng lại để ra được Hệ số định giá cuối cùng. Giá trị Pre-money của startup sau đó sẽ được tính bằng cách lấy định giá trung bình (của “startup trung bình” trong ngành và khu vực) nhân với Hệ số định giá vừa tìm được.

 

Ví dụ, giả sử ThinkZone định giá 1 startup dựa trên 6 yếu tố: Chất lượng Founder/team, Quy mô và tiềm năng thị trường, Sản phẩm chất lượng/khác biệt, Khả năng cạnh tranh trên thị trường, Chiến lược marketing/phân phối, Feedback của khách hàng. ThinkZone sau đó sẽ đặt Trọng số cho từng tiêu chí, so sánh tiêu chí đó của startup với mức trung bình của các công ty trong ngành để ra Tỉ số tương đối, rồi tính ra các Hệ số thành phần và tổng cộng lại. Việc đặt trọng số như thế nào là tùy vào quan điểm đánh giá của mỗi VC.

 

Tiêu chí

Trọng số

Tỉ số tương đối

Hệ số

Chất lượng Founder/team

30%

125%

0.375

Quy mô và tiềm năng thị trường

20%

150%

0.3

Sản phẩm chất lượng/khác biệt

20%

110%

0.22

Khả năng cạnh tranh trên thị trường

15%

75%

0.113

Chiến lược marketing/phân phối

10%

75%

0.075

Feedback của khách hàng

5%

75%

0.038

Tổng

100%

 

1.12



Các Hệ số thành phần là tích của Tỉ số tương đối của từng tiêu chí (so với các công ty trong thị trường) nhân với Trọng số của tiêu chí đó. Tổng của các Hệ số thành phần là Hệ số định giá của startup đó (là hệ số 1.12 trong bảng trên).

 

Giả sử trung bình các startup trong cùng thị trường và cùng giai đoạn có mức định giá trung bình là 5 triệu USD, thì giá trị Pre-money của startup đó trong ví dụ này là 5.6 triệu USD (bằng 5 triệu USD nhân hệ số 1.12).

 

3. PHƯƠNG PHÁP ĐẦU TƯ MẠO HIỂM (VENTURE CAPITAL METHOD)

Mỗi khi offer đầu tư đổi lấy cổ phần, các nhà đầu tư đều cần một phương án để thu tiền về (và mong là cả lợi nhuận).

 

Nguồn ảnh: Internet

 

Cả nhà đầu tư thiên thần và VC đều có một phương án thu tiền mà họ muốn startup trả cho mình, và phương pháp đầu tư mạo hiểm là cách định giá đi ngược từ cách mà nhà đầu tư muốn thu tiền về, để ra được định giá và mức cổ phần tương ứng.

 

Giả sử ThinkZone muốn đầu tư vào startup của bạn, với kế hoạch thoái vốn trong 3 năm.

 

Sau 3 năm, bạn dự đoán thu nhập sau thuế của mình là 2 triệu USD. Để xác định xem startup của mình có thể được bán được bao nhiêu (gọi là Terminal Valuation), bạn sẽ nhân mức thu nhập sau thuế đó với bội số doanh thu của công ty (sẽ được giải thích ở phần sau). Trong ví dụ này, ThinkZone xác định bội số doanh thu của startup là 15:

Terminal Value = Thu nhập sau thuế dự đoán x Bội số doanh thu

= 2 triệu USD x 15 = 30 triệu USD

 

Mỗi nhà đầu tư đều có một Tỉ lệ hoàn vốn nội bộ (IRR - Internal Rate of Return) mà họ kỳ vọng. Giả sử ThinkZone kỳ vọng IRR đạt 30% mỗi năm, và đồng thời đầu tư $500,000 cho startup. Khi đó Exit value của ThinkZone là khoảng:

Exit value = $500,000 x 1.3^3 ~ $1,100,000

 

Từ đó ta có thể tính được cổ phần mà ThinkZone muốn nắm giữ sau 3 năm để có thể thu về lượng exit value kể trên (với Terminal value của công ty sau 3 năm là 30 triệu USD)

1,100,000 / 30,000,000 ~ 3.67%

 

Tuy nhiên, trong vòng 3 năm, startup đó có thể thực hiện các vòng gọi vốn khác, khiên cổ phần của ThinkZone bị pha loãng. Vậy nên, mức cổ phần ban đầu của ThinkZone sẽ cần cao hơn 1 chút (để giảm dần xuống còn 3.67% sau 3 năm). ThinkZone giả sử mức độ pha loãng kỳ vọng là 25% - tức cổ phần của ThinkZone giảm đi 25% sau 3 năm (con số thường dùng bởi các VC), vậy mức cổ phần ban đầu mà ThinkZone muốn offer là:

3.67% / (1 - 0.25) ~ 4.89% ~ 5%

 

Vậy, ThinkZone sẽ muốn đầu tư $500,000 để đổi lấy 5% cổ phần, từ đó suy ra mức định giá Post-money mà ThinkZone dành cho startup là:

$500,000 / 0.05 = $10,000,000

 

Suy ra định giá Pre-money của startup là:

$10,000,000 - $500,000 = $9,500,000



4. PHƯƠNG PHÁP CHIẾT KHẤU DÒNG TIỀN (DISCOUNTED CASHFLOW METHOD)

Phương pháp này định giá startup bằng cách dự đoán dòng tiền tương lai của startup đó, rồi chiết khấu nó về hiện tại, với giả định rằng định giá hiện tại của công ty bằng tổng giá trị hiện tại (Present Value) của dòng tiền mà công ty tạo ra trong những năm tiếp theo.

 

Quy trình tính toán của phương pháp này khá phức tạp nên ThinkZone không trình bày cụ thể trong bài viết này. Các bạn có thể tìm hiểu kỹ hơn trong bài viết NÀY tại EY | Finance Navigator.

 

5. PHƯƠNG PHÁP BỘI SỐ DOANH THU (REVENUE MULTIPLES)

Phương pháp này sử dụng thông tin tương quan giữa các công ty trong ngành (đã được IPO) để đưa ra tiêu chuẩn ước lượng so sánh cho các startup.

 

Các nhà đầu tư bắt đầu bằng việc tìm kiếm các công ty đã lên sàn với mô hình tương tự như startup đang định giá. Sau đó, họ có thể tìm thấy những thông tin như:

➤ Giá trị của cá công ty đó (Enterprise Value - EV)

➤ Thu nhập của các công ty đó (Earnings)

 

Các nhà đầu tư sẽ thống kê mối quan hệ trung bình giữa thu nhập và định giá của những công ty đó, rồi áp dụng cho startup đang được xem xét.

 

Tỉ số thường được sử dụng nhiều nhất là EV / EBITDA - Tỉ số giữa Giá trị doanh nghiệp trên Thu nhập trước lãi vay, thuế và khấu hao (Earning Before Interest, Taxes and Amortization). Giả sử trung bình, các công ty trong thị trường này có tỉ số EV/EBITDA là 5x. Và EBITDA của startup là 1 triệu USD, thì định giá pre-money của startup đó là 5 triệu USD (Pre-money là giá trị của công ty trước khi gọi vốn).

 

Lưu ý rằng tỉ số EV / EBITDA không cố định mà biến động liên tục qua thời gian, phụ thuộc vào tình hình kinh doanh trung bình của các công ty trong ngành.

Nguồn: thinkzone

Đánh giá

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
setup_menu_mon_ansetp_menu_do_uong
CONTACT US

FNB DIRECTOR

83 Nguyen Van Troi Apartment, Phu Nhuan Dist.

Hotline: +84 903 132 508

Email: hello@fnbdirector.com

 
FOLLOW US ON FACEBOOK

Copyright @2014 FNB DIRECTOR - HoReCa Business School