Chịu tác động lớn từ đại dịch, ngành dịch vụ ăn uống F&B đã có rất nhiều hình thức thay đổi trong phương pháp kinh doanh để thích ứng bao gồm hoạch định chiến lược hoạt động và giải bài toán tối ưu hóa chi phí.
F&B là một trong những ngành chịu tác động nặng nhất trong đại dịch Covid-19. Chuỗi nhà hàng Singapore Lion City cũng không ngoại lệ khi công bố doanh thu giảm 70% và đã ngừng tạm thời 4 trên tổng số 5 nhà hàng trong đợt dịch thứ tư.
Tuy nhiên, trong khi hàng nghìn cơ sở kinh doanh nhà hàng đóng cửa vĩnh viễn, Lion City là một trong số ít những nơi đã đi qua cơn bão COVID-19.
Lion City là chuỗi nhà hàng Singapore với 15 năm hoạt động tại Việt Nam, hướng đến đối tượng khách hàng trung và cao cấp. Ông Harry Ang - Founder Lion City theo đuổi tầm nhìn của người sáng lập là đưa thương hiệu Lion City từ Việt Nam ra các thị trường nước ngoài.
Ông Harry Ang chia sẻ góc nhìn về lĩnh vực kinh doanh nhà hàng:
"Tôi đã tiến xa được 15 năm trong lĩnh vực kinh doanh nhà hàng. Tôi sẽ không từ bỏ giấc mơ mở rộng Lion City ra nước ngoài. Tôi không coi việc đóng cửa 4 cửa hàng là thất bại. Thay vào đó, tôi coi đây là thử thách và bài học kinh nghiệm."
Đón đầu xu hướng kinh doanh trong bối cảnh ‘bình thường mới’, ông Harry Ang cho biết đã sẵn sàng để tái khởi động thông qua việc mở các nhà hàng có quy mô nhỏ hơn, định vị mới dành cho phân khúc thấp hơn, nhằm phục vụ nhiều đối tượng người tiêu dùng.
Cửa hàng mới - Ok-lah tập trung vào hai yếu tố sản phẩm chất lượng và giá cả hợp lý nhằm bắt kịp với tiêu chí của những người tiêu dùng ngày càng thận trọng về chi tiêu hậu Covid-19.
Cụ thể, nhà hàng Ok-lah chủ yếu phục vụ món mang đi với giá khoảng 100.000 đồng trở xuống. Nhà hàng sẽ có không gian từ 20-50 mét vuông với giá thuê trong khoảng 15 triệu đồng.
Ông Harry Ang cho biết:
"Chúng tôi hướng đến những tầng lớp thấp hơn, bởi vì tại thời điểm này Covid-19 đã tấn công Việt Nam rất dữ dội rồi nên một số người mất việc và mất thu nhập. Đây là ý tưởng chính đằng sau thương hiệu mới: làm cho mọi thứ trở nên hợp túi tiền hơn cho mọi người với nhiều khuyến mãi hấp dẫn."
Tác động của Covid lên ngành F&B khiến nhiều chuỗi quán cà phê đã phải đóng cửa hàng để giảm giá thuê mặt bằng.
Sau khi Việt Nam nới lỏng giãn cách vào tháng 10, Starbucks đã thông báo ngừng hoạt động cửa hàng kinh doanh tại khách sạn Rex ở đường Nguyễn Huệ, thành phố Hồ Chí Minh.
Người tiêu dùng cũng bắt đầu hình thành thói quen ăn uống "an toàn, tiện lợi, ngon miệng" sau đại dịch.
Starbucks nhận thấy sự thay đổi này, họ đã kết nối với các nền tảng giao đồ ăn trực tuyến như GrabFood và ShopeeFood để phục vụ khách hàng mang đi. Điều này giúp mang lại doanh thu hiệu quả và hạn chế tụ tập đông người.
Một chuỗi cà phê khác là The Coffee House cũng đóng cửa tiệm cà phê hàng đầu ở Phạm Ngọc Thạch, Quận 3. Hiện chuỗi chỉ còn hoạt động 140 cửa hàng so với con số 180 trước khi có làn sóng thứ tư.
Đại diện quỹ Seedcom, chủ sở hữu The Coffee House cho biết:
"Chúng tôi đã xác định điểm mấu chốt khi quyết định đóng hay mở từng cửa hàng. Mục tiêu của chúng tôi là giải bài toán tối ưu hóa chi phí để giữ dòng tiền và đảm bảo công suất hoạt động hậu Covid-19. "
Các chuỗi khác như Trung Nguyên Legend và King Coffee cũng chịu chung số phận khi phải đóng cửa một số cửa hàng ở trung tâm thành phố.
Tất cả những lần đóng cửa này phản ánh một xu hướng mới là đóng cửa các cửa hàng hoạt động kém hiệu quả và tối ưu hóa hoạt động giữa các cơ sở kinh doanh thực phẩm và đồ uống (F&B).
Bà Võ Thị Khánh Trang, Trưởng bộ phận nghiên cứu của Savills Việt Nam cho biết:
Măt bằng là khoản chi phí lớn nhất của các doanh nghiệp ngành F&B, tiếp đến là nguồn nhân lực.
Một thách thức khác đối với các doanh nghiệp là tìm công nhân đã được tiêm phòng đầy đủ. Như vậy, nhiều doanh nghiệp ngành F&B đã trả lại mặt bằng đồng thời giữ lại các cửa hàng trọng điểm để tồn tại trong quý IV /2021.
"Dự kiến, các chuỗi sẽ bắt đầu mở rộng vào năm 2022. Tại thời điểm này, họ sẽ cần phải dành thời gian để xem xét các chiến lược tiếp thị và phát triển kinh doanh của mình như áp dụng các hoạt động trực tuyến và thay đổi dịch vụ khách hàng để thích ứng với giai đoạn "bình thường mới" ", bà Trang chia sẻ.
Khảo sát mới nhất của Vietnam Report cho thấy hầu hết các doanh nghiệp F&B đã trở nên thận trọng hơn sau COVID-19, với 78% dự đoán kinh doanh sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong những tháng còn lại, gấp đôi tỷ lệ 37% của một năm trước.
Tuy nhiên, có tới 80% các công ty F&B tin rằng đất nước sẽ nhanh chóng phục hồi sau đại dịch.
Trong đó, khoảng 47% doanh nghiệp mong đợi rằng họ sẽ mất khoảng sáu tháng để phục hồi, 33% dự tính thời gian sẽ từ 7-12 tháng và 13% doanh nghiệp cho rằng sẽ mất 12 tháng để phục hồi sau đại dịch.
Lược dịch từ Vietnam Investment Review / Nguồn: Andy Vũ
Đánh giá
Email: hello@fnbdirector.com
Copyright @2014 FNB DIRECTOR - HoReCa Business School