Trải qua một cuộc đời đầy sóng gió, nuôi dưỡng ước mơ kinh doanh từ khi còn nhỏ, Tom Monaghan đã đưa Domino’s trở thành một những thực đơn không thể thiếu trong năm của người chuộng thức ăn nhanh như thế nào? Với khẩu hiệu “You Got 30 Minutes”, Domino’s Pizza và Tom Monaghan đã đưa thương hiệu bán pizza này trở thành một trong những thương hiệu nổi tiếng khắp nước Mỹ nói riêng và thế giới nói chung ra sao? Cùng tìm hiểu qua bài viết sau!
Ông Tom Monaghan, sinh ngày 25/03/1937 tại thành phố Ann Arbor (thuộc tiểu bang Michigan, Mỹ). Khi cha qua đời lúc ông lên 4 tuổi, gánh nặng đè lên vai người mẹ với đồng lương ít ỏi 30 USD/một tuần. Không thể nuôi nấng hai người con và cho chúng cuộc sống đủ đầy, bà quyết định gửi Tom Monaghan và em trai James Monaghan vào trại trẻ mồ côi St. Joseph.
Sau 7 năm sống tại trại trẻ cùng em trai, Tom Monaghan trở về với gia đình khi mẹ ông đã trở thành y tá và đủ điều kiện chăm lo cho hai anh em. Lúc này, ông Monaghan vừa học vừa làm để kiếm thêm thu nhập. Ông làm việc tại nhà thờ với mức lương 0,35 USD/giờ. Năm 13 tuổi, gia đình ông chuyển đến tiểu bang Michigan. Tại đây, ông tiếp tục vừa học vừa làm và nung nấu ý định kinh doanh.
Trong lần đầu tiên Tom bày tỏ ý định kinh doanh với mẹ, bà đã từ chối vì cho rằng hai anh em Tom nên cố gắng học tập, sau đó tìm được một công việc tử tế thay vì suy nghĩ viển vông về chuyện kinh doanh. Mệt mỏi với những cuộc cãi vã vì ý định khởi nghiệp của con trai, bà quyết định gửi Tom vào lại trại trẻ mồ côi. Dẫu thế, không chấp nhận số phận, ông rời trại mồ côi để tìm việc làm. Sau khi lang thang từ nơi này đến nơi khác, ông xin việc tại một trung tâm dạy chơi bowling. Dù phải đi làm từ 6 giờ 30 sáng đến nửa đêm suốt 5 ngày/tuần nhưng ông vẫn kiên trì đến trường học. Sau đó, Tom Monaghan quyết định nhập ngũ, song, ông vẫn không ngừng rèn luyện thể chức và bổ sung kiến thức cho bản thân. Ông hiểu rằng chỉ có tri thức mới giúp con đường khởi nghiệp của mình trở nên thành công.
Tom Monaghan khi còn trẻ
Năm 1959, sau khi rời hải quân với 2.000 USD tiền tiết kiệm, ông bắt tay vào kế hoạch khởi nghiệp. Xui xẻo thay, ông đã bị một kẻ lừa đảo lấy hết số tiền này. Kết quả là ông phải đi bộ hơn 3.700km từ San Diego trở về Ann Arbor (quê của ông) cùng với ước mơ khởi nghiệp lần đầu tiên bị dập tắt.
Để kiếm thêm tiền viết tiếp ước mơ đi học, Tom Monaghan đã gõ cửa từng nhà mời mua báo, chấp nhận giao báo miễn phí cho họ. Cũng chính thời điểm đó, ông nhận ra được tiềm năng trong ngành giao hàng tại nước Mỹ và nhen nhóm ý tưởng cho công việc kinh doanh trong tương lai. Ông trở lại trường Đại học vào năm tiếp theo nhưng lại tiếp tục nghỉ học vì bận kiếm tiền. Ở tuổi hai mươi ba, việc vừa học vừa làm khiến Tom nghĩ rằng kế hoạch tự kinh doanh của mình đã “lụi tàn”. Vậy nhưng lúc này, một cơ hội khác lại xuất hiện trước mắt ông.
Năm 1961, người em James của Tom phát hiện ra có một cửa hàng pizza tên là DomiNick’s được rao bán khá rẻ với giá 500 USD, nên cậu đã đề nghị Tom hợp tác và mua lại cửa hàng này. Lúc này, Tom có trong tay 77 USD và ông đã không ngần ngại vay 500 USD để mua lại DomiNick’s.
Gánh trên mình một khoản vay “khổng lồ”, quyết định của ông khiến người em cảm thấy sợ hãi và nhanh chóng quyết định rút khỏi mối quan hệ hợp tác. Sau đó, mọi công việc của cửa hàng dồn hết lên vai của Tom. Thế nhưng ông vẫn kiên trì và cố gắng thực hiện hoá ước mơ kinh doanh của mình.
Tiền thân của chuỗi cửa hàng Domino’s Pizza chính là DomiNick’s Pizza được ông Tom Monaghan mua lại với giá 500 USD
May mắn thay, cả hai chi nhánh của ông đều buôn bán khá thuận lợi khi mỗi cửa hàng đều bán ra khoảng 1 nghìn chiếc pizza mỗi tuần và trở thành cửa hàng pizza đông khách ở nước Mỹ. Đến khi mở cửa hàng thứ 3, người chủ cũ của cửa hàng DomiNick’s gọi điện và yêu cầu ông thay đổi tên cửa hàng. Từ đó, cái tên Domino’s Pizza ra đời.
Nhờ lợi thế trong việc giao hàng, phần lớn tệp khách hàng lúc đó của Domino’s Pizza là sinh viên hoặc những người lười ra ngoài ăn uống. Cửa hàng càng nổi tiếng thì việc đảm bảo cân bằng giữa chất lượng và thời gian giao hàng ngày càng trở nên khó khăn. Chính vì thế, Tom đã yêu cầu những nhà sản xuất hộp bánh pizza làm ra các hộp bánh có lỗ để giữ nếp cho bánh cũng như bảo quản độ tươi được lâu hơn so với trước đây.
Tiêu chuẩn sản xuất hộp của Tom đã trở nên phổ biến trong ngành giao hàng vì giá thành rẻ cũng như độ hiệu quả của nó. Không dừng lại ở đó, ông còn sáng tạo nhiều sáng chế khác như túi giữ nhiệt, băng chuyền pizza,... Những yếu tố này đã giúp quy trình sản xuất cũng như vận chuyển những chiếc bánh thơm ngon, hấp dẫn đến người dùng một cách nhanh chóng và tươi mới.
Cuối năm 1960, ông tham gia một khóa học về nhượng quyền thương hiệu. Tại đây, ông gặp gỡ Ray Kroc - nhà sáng lập McDonald's và Josh Brown - Quản lý của KFC. Đây là những người đã có kinh nghiệm quản lý và biến các quán ăn nhỏ thành chuỗi thương hiệu thức ăn nhanh nổi tiếng, đồng thời cũng chính là người đã tạo cảm hứng cho Tom mở rộng Domino’s Pizza. Một năm sau, Domino’s Pizza mở rộng 32 chi nhánh nhưng phần lớn bị buộc phải đóng cửa vì không có lãi. Ông chính thức nợ 1,5 triệu USD vào năm 1970 và buộc phải nhượng quyền kiểm soát lại cho ngân hàng nhằm tránh rơi vào cảnh phá sản. Thế nhưng, sau khi ngân hàng điều các chuyên gia đến quản lý cửa hàng, họ đã nâng giá sản phẩm và hạ chất lượng pizza xuống với mục tiêu kiếm thêm doanh thu khiến cho tình hình kinh doanh còn trở nên tệ hơn. Chưa đầy 1 năm sau, ngân hàng trả lại quyền quản lý cho Tom Monaghan vì không thể vực dậy cửa hàng.
Các chi nhánh nhượng quyền lần lượt kiện Tom vì mô hình kinh doanh không thuận lợi. Bên cạnh đó, chính bản thân ông cũng nợ nhà cung cấp một số tiền không nhỏ. Lúc này, ông hứa hẹn với những người kiện tụng rằng chỉ cần được cung cấp chỗ ăn ở, rồi ông sẽ tìm cách “hồi sinh” Domino’s Pizza.
Chiếc xe giao hàng đầu tiên của Domino’s Pizza vào năm 1969
May mắn thay, chỉ sau một năm, ông đã trả được hết nợ và bắt đầu thay đổi mô hình kinh doanh. Quyết định này đã giúp Tom có thêm 1 nghìn cửa hàng trên khắp nước Mỹ vào năm 1983 kể từ khi cửa hàng Domino’s đầu tiên được thành lập vào năm 1960. Ông cũng đề ra quy định rằng nếu phần pizza được giao muộn hơn 30 phút tính từ thời gian đặt hàng, khách hàng sẽ được miễn phí phần bánh đó.
Dù nổi tiếng nhưng Domino’s Pizza vẫn duy trì menu thức ăn đơn giản, không cố gắng sáng tạo quá nhiều món ăn độc lạ. Vì thế, khách hàng chỉ được lựa chọn duy nhất một loại vỏ và hai kích cỡ. Ngoài ra, cửa hàng cũng không cung cấp các loại nước ngọt mà chỉ phục vụ loại nước “classics” (nước khoáng). Lúc bấy giờ, mọi người chỉ quan niệm “thức ăn nhanh” chính là nhanh và đơn giản nên việc làm cho thực đơn phong phú là điều không ai nghĩ đến. Quan niệm này thay đổi cho đến năm 1989 khi Domino’s Pizza thêm vào trong thực đơn món ăn mới là “Deep Pan Pizza” (pizza được nấu trên chảo với đế bánh dày) vào thực đơn. Sự tiên phong đổi mới này đã làm thay đổi cách các cửa hàng thức ăn nhanh thiết kế menu, mang đến cho khách hàng nhiều lựa chọn hơn, song quy trình chế biến và giao hàng nhanh chóng vẫn được duy trì nhằm đảm bảo trải nghiệm cho khách hàng.
Đến năm 1992, Domino’s Pizza lần đầu tiên đưa món “Breadstix” (Bánh mì nướng) vào thực đơn. Điều này biến Domino’s Pizza trở thành một trong những thương hiệu đầu tiên đưa món ăn khác ngoài pizza vào trong menu vào thời điểm đó.
Năm 1996, Tom Monaghan thiết kế trang web đặt pizza online và đưa doanh thu lên 2,8 tỷ USD. Hai năm sau, ông quyết định nghỉ hưu ở tuổi 61 và bán 93% cổ phần lại cho công ty Bain Capital với giá 1 tỷ USD (tương đương khoảng 23 tỷ VNĐ).
Nghỉ hưu ở tuổi 61, Tom Monaghan quyết định dành phần đời còn lại của mình để làm từ thiện
Sau khi Tom Monaghan về hưu, David A. Brandon trở thành vị Chủ tịch tiếp theo của thương hiệu. Thế nhưng sau nhiều lần thay đổi người lãnh đạo, Domino's Pizza lại càng tụt dốc. Chỉ đến khi Patrick Doyle nhậm chức, thương hiệu mới bắt đầu khởi sắc và quay lại đường đua bứt tốc của lĩnh vực thức ăn nhanh. Cuối năm 2009, ông bật mí rằng thương hiệu đang thử nghiệm loại phô mai và nước sốt mới. Đến năm 2010, giá cổ phiếu công ty là 8,6 tỷ USD. Thế nhưng chỉ 5 năm sau, tức năm 2015, con số đã tăng vọt lên thành 105,52 tỷ USD.
Patrick Doyle, vị chủ tịch đã làm doanh thu của Domino’s Pizza tăng lên khoảng 96 tỷ USD trong vòng 5 năm nhờ chiến dịch quảng cáo của mình
Sau khi chất lượng pizza được cải thiện, Domino’s Pizza mở thêm chi nhánh ở Ý. Cạnh tranh tại một thị trường nổi tiếng khó tính trong ẩm thực, hãng khẳng định rằng họ không chỉ đơn thuần là một thương hiệu bán bánh thông thường mà họ còn là một thương hiệu vận chuyển. Điều làm họ trở nên khác biệt ở một thị trường ngập tràn pizza tại Ý chính là những “sáng chế giao hàng độc nhất”. Theo đó, Domino’s Pizza cho ra mắt dịch vụ giao hàng “độc lạ”: khách hàng chỉ cần nhắn số lượng emoji pizza, chiếc xe giao hàng tự động này sẽ giao đến địa chỉ và số lượng mà khách hàng yêu cầu.
Ngày nay, Domino’s Pizza vẫn trở thành một thương hiệu nổi bật với logo hình chiếc domino đỏ và xanh dương quen thuộc tại các thị trường thức ăn nhanh trên toàn thế giới. Theo Báo cáo doanh thu năm 2023, lợi nhuận thuần của Domino's Pizza toàn cầu trong quý 2 năm 2023 là 109.380 triệu USD so với quý 2 năm 2022 là 102.493 triệu USD.
Để duy trì được tên tuổi thương hiệu và trở thành ông lớn của ngành ẩm thực thức ăn nhanh, Domino’s đã thực hiện những chiến lược marketing như thế nào để mang hương vị đặc trưng riêng của mình đến với khách hàng?
Đánh vào thị trường xứ sở hoa anh đào - nơi được xem là thiên đường của những người yêu thích Anime (phim hoạt hình có nguồn gốc từ Nhật Bản), năm 2011, Domino’s Pizza đã thực hiện chiến dịch quảng bá thương hiệu khi kết hợp cùng với một trong những anime ăn khách nhất Nhật Bản: One Piece (Đảo Hải Tặc).
Lúc này, các bao bì của Domino’s được đổi thành hình ảnh các nhân vật trong bộ phim. Đặc biệt hơn, khi chi thêm 450 yên cho đơn hàng của mình, khách hàng sẽ được chọn ngẫu nhiên một trong ba mô hình nhân vật nổi tiếng Monkey D. Luffy, Roronoa Zoro, và Nami.
Hộp bánh “đặc biệt” dành cho fan của bộ anime One Piece được Domino’s thiết kế riêng
Tháng 9/2022, Domino’s Pizza tại Malaysia và Singapore công bố hợp tác với Genshin Impact, một trong những trò chơi điện tử nhập vai phiêu lưu đang thịnh hành ở giới trẻ hiện nay. Với sự hợp tác lần này, Domino’s và Genshin cho ra mắt combo những chiếc bánh pizza và merchandise thuộc hãng game. Điều này làm người hâm mộ càng thêm thích thú bởi ngay tại các cửa hàng của Domino’s Pizza, thương hiệu đã trưng bày standee của các nhân vật trong game Genshin Impact. Khách hàng có thể check-in trong khi chờ những chiếc pizza nóng hổi được chuẩn bị.
Các merchandise của Genshin Impact được tặng kèm khi mua tại cửa hàng Domino’s
Bên cạnh chiến lược quảng bá nội địa hoá như màn kết hợp với One Piece tại thị trường Nhật Bản hay hãng game Genshin tại thị trường Malaysia, thương hiệu cũng nhanh chóng nắm bắt các xu hướng trên toàn cầu nhằm tiếp cận người tiêu dùng ở quy mô rộng lớn và hiệu quả hơn, nổi bật trong số đó là chiến dịch quảng bá kết hợp cùng “gã khổng lồ” streaming Netflix nhân màn ra mắt của series phim “Stranger Things”. Phát hành từ năm 2016, “Stranger Things” là tựa phim độc quyền của Netflix có sức ảnh hưởng mạnh mẽ trong văn hoá đại chúng. Trước thềm ra mắt phần 4 của bộ phim, Domino’s Pizza đã thực hiện chiến dịch độc đáo lấy cảm hứng từ nội dung giả tưởng của bộ phim nhằm hướng đến mục tiêu kép: vừa quảng bá sự trở lại của bộ phim, vừa tạo trải nghiệm mới lạ cho fan của Domino's Pizza.
Bằng ứng dụng “Mind Ordering”, khách hàng yêu thích “Stranger Things” nói riêng và khách hàng yêu thích pizza nói chung có thể “đặt pizza bằng suy nghĩ” giống như nhân vật Eleven trong bộ phim. Người dùng sẽ được nhận diện khuôn mặt trước khi được trải nghiệm “mind ordering” và họ sẽ được thực hiện các thao tác để tương tác với đơn hàng của mình như nhắm mắt để hủy bỏ đơn hàng/lựa chọn, nhìn vào camera từ 5-7 giây để xác nhận đơn hàng,... Để tăng thêm phần thích thú cho người xem, đoạn quảng cáo còn có sự góp mặt của 2 nam diễn viên Caleb McLaughlin (thủ vai Lucas Sinclair) và Gaten Matarazzo (thủ vai Dustin Henderson) trong “Stranger Things”.
Duy chỉ vỏn vẹn 3 phút nhưng đoạn quảng cáo kết hợp giữa Domino’s và Stranger Things đã làm khán giả thích thú
Đồng thời, trong chiến dịch lần này, Domino’s đã đồng loạt ra mắt 220 triệu vỏ hộp pizza mới lấy cảm hứng từ bộ phim. Shelly Adamson - Giám đốc Sáng tạo của công ty sản xuất UNIT9 cho biết: “Domino’s Pizza là một trong những thương hiệu thức ăn nhanh đi đầu ở nước Mỹ, và Stranger Things là một trong những series phim đạt nhiều lượt xem nhất trong lịch sử sản xuất phim của Netflix. Việc 2 thương hiệu này đến với nhau đã tạo nên trải nghiệm mới lạ cho người hâm mộ.”
Với mong muốn tiếp cận nhiều đối tượng hơn, đặc biệt đối với những khách hàng hâm mộ người nổi tiếng, Domino’s Pizza Hàn Quốc đã thực hiện nhiều chiến dịch quảng cáo có sự xuất hiện của các ngôi sao hạng A tại xứ sở kim chi như: diễn viên Lee Min Ho, diễn viên Park Bo Gum, diễn viên Song Joong Ki hay gần đây nhất là diễn viên Kim Seon Ho. Trong đoạn quảng cáo của diễn viên Lee Min Ho vào năm 2020, hãng cho biết chiến dịch lựa chọn Lee Min Ho làm người đại diện nhằm hướng đến đối tượng khách hàng trong độ tuổi 20 đến 30.
Quảng cáo Domino’s Pizza năm 2020 của diễn viên Lee Min Ho
Nhận biết được việc tiếp cận khách hàng thông qua hình ảnh đại diện của người nổi tiếng thuận lợi, một số chi nhánh Domino’s Pizza ở các khu vực khác như Domino’s Nhật Bản cũng có sự góp mặt của nhân vật 2D nổi tiếng: Hatsune Miku. Tháng 03/2013, với sức ảnh hưởng của nữ ca sĩ ảo này, Domino’s đã kết hợp cùng với agency Crypton Future Media đã phát hành ứng dụng giao pizza được thiết kế riêng biệt với giọng nói của Hatsune Miku. Việc phát hành ứng dụng này đã trở thành một cơn sốt khi nhiều meme và video trên YouTube trở nên viral.
Đoạn video giới thiệu ứng dụng giao pizza kết hợp giữa Domino’s Nhật Bản và nhân vật ca sĩ ảo Hatsune Miku
Để thể hiện cam kết “You Got 30 Minutes” (tạm dịch: Bạn Có 30 Phút) kể từ khi thành lập cũng như giữ vững “phong độ” là một trong những thương hiệu bán bánh pizza giao hàng nhanh và sớm nhất, Domino’s Pizza đã thực hiện nhiều chiến dịch quảng cáo như nhằm khẳng định rằng: “Chúng tôi không bao giờ thay đổi thời gian giao hàng”.
Nhằm khẳng định lợi thế trong dịch vụ giao hàng - cũng là cốt lõi làm nên giá trị và lợi thế cạnh tranh của thương hiệu, tháng 8/2018, Domino's Pizza đã ra mắt chiến dịch “Paving For Pizza” (tạm dịch: lát đường cho những chiếc bánh pizza), Domino’s đã tuyên bố:“Những con đường gồ ghề sẽ không phù hợp với những chiếc bánh pizza nóng hổi, cho dù chiếc bánh đó đến với bạn bằng cách thức nào. Đó chính là lý do vì sao chúng tôi cần lát lại những con đường giao hàng khắp 50 bang (của nước Mỹ)”.
Mỗi khách hàng khi đặt bánh pizza sẽ góp phần giúp tu sửa những con đường tại Mỹ được lát lại bằng phẳng. Thú vị hơn, để minh hoạ chi tiết một chiếc bánh pizza được giao tại con đường tại Mỹ nếu có quá nhiều ổ gà, Domino’s đã “đính kèm” tại trang web pavingforpizz.com những “mức độ gồ ghề” sẽ tác động đến món ăn của người dùng như thế nào.
Khách hàng có thể “kiểm chứng” một con đường gồ ghề có thể ảnh hưởng đến chất lượng chiếc bánh pizza của họ
Để chiến dịch diễn ra thuận lợi, hãng đã phải liên hệ với ban quản lý đô thị và chính quyền địa phương để tìm hiểu thông tin về những con đường, bàn bạc về quá trình sửa chữa. Đặc biệt hơn, đội ngũ thi công là những người dân địa phương tự nguyện chung sức khắc phục tình trạng đường xá. Sau khi con đường hoàn tất quá trình tu sửa, đội thi công sẽ đánh dấu logo của Domino's Pizza nhằm giúp người dùng nhận biết về chiến dịch và “công lao” của hãng. Những người vất vả tu sửa tuyến đường cũng sẽ nhận được những suất ăn pizza miễn phí. Ý tưởng sáng tạo và ý nghĩa này đã giúp Domino's Pizza mang về giải Gold tại Liên hoan Cannes Lions ở hạng mục “Brand Experience & Activation”.
Chiến dịch “Paving For Pizza” của Domino’s nhận về nhiều phản hồi tích cực khi lấp đầy những ổ gà xuất hiện trên khắp 50 bang nước Mỹ
Các con đường được lát từ chiến dịch “Paving For Pizza” sẽ có logo của Domino’s
“You Got 30 Minutes” là một trong những tôn chỉ hoạt động của Domino’s kể từ khi thành lập. Với cam kết cam kết sẽ giao bánh pizza vỏn vẹn chỉ trong vòng 30 phút và nếu hơn thời gian dự kiến, khách hàng sẽ được miễn phí phần pizza đó. Mới đây, Domino’s Pizza Việt Nam đã tung ra đoạn quảng cáo được sáng tạo bằng kỹ thuật stop motion (hoạt hình tĩnh vật) để giới thiệu Domino’s Airlines với dòng trạng thái vui nhộn: “Dù gần hay xa, dù mưa hay nắng, cơ trưởng Đỗ Mi Nô vẫn quyết tâm giao pizza đúng hẹn trong vòng 30 phút ngay sau khi nhận tín hiệu Ét O Ét.”
Đoạn quảng cáo dài 43 giây của Domino’s Pizza Việt Nam “ngầm” khẳng định “dù gần hay xa, dù nắng hay mưa” thì pizza vẫn sẽ đến tay khách hàng trong vòng 30 phút
Theo đó, Domino’s Pizza Việt Nam đã sử dụng hình ảnh cơ trưởng Đỗ Mi Nô (Domino’s) làm nhân vật chính cho đoạn quảng cáo trên. Khi hai nhân vật học sinh không thể về nhà ăn cơm do trời mưa, Domino's Airlines đã nhanh chóng bay đến để “cứu đói”. Hay khi bữa tiệc sinh nhật không diễn ra trọn vẹn vì thiếu món bánh pizza, thương hiệu cũng cấp tốc bay đến phục vụ khách hàng.
Nổi tiếng với những chiếc bánh pizza nóng hổi, từ thực đơn với những món ăn cơ bản trong những thập niên 60, thực đơn của Domino’s ở thời điểm trở nên đa dạng và phong phú hơn khi cung cấp nhiều lựa chọn hấp dẫn cho người dùng: nhân đôi phô mai, pizza Bangkok cà ri xanh tôm, vị hải sản nhiệt đới sốt tiêu, burger pizza, mỳ ý, cánh gà, bánh mì nướng chấm sữa,... Với 3 kích thước: nhỏ, vừa và lớn, khách hàng có thể thoải mái “thiết kế” cho mình một chiếc bánh pizza với loại topping, loại sốt, kích thước, độ giòn, thành bánh tùy theo sở thích chỉ cần vài thao tác trên các ứng dụng công nghệ.
Ngày 28/07/2018, Domino’s tuyên bố hợp tác với ứng dụng Snapchat. Thông qua ứng dụng này, người dùng có thể sử dụng AR lens filter để lựa chọn chiếc bánh pizza với topping mà mình mong muốn. Filter này có thể sử dụng ở cả camera trước và sau. Với camera trước, người dùng sẽ được trải nghiệm filter được thiết kế bằng hai màu đỏ - xanh (màu sắc biểu tượng trên logo của Domino’s). Còn với camera sau, ứng dụng sẽ xuất hiện một chiếc bánh pizza 3D khi người dùng lia máy đến một vị trí bất kỳ. Sau khi nhấn mở hộp, người dùng sẽ nhanh chóng nhìn thấy phần “Đặt hàng ngay”. Tại đây, người dùng có thể đặt bánh trực tiếp trên Snapchat mà không cần thoát ra ngoài.
Người dùng yêu thích Snapchat có thể trải nghiệm đặt bánh pizza ngay tại ứng dụng bằng tính năng AR lens filter
Vào cuối tháng 6 vừa qua, lễ hội âm nhạc Glastonbury (Anh) đã thu hút hơn 200.000 khán giả. Ông Sam Wilson - Trợ lý PR Marketing tại Domino’s Pizza cho biết, thương hiệu đã nhận ra việc giao hàng tại một lễ hội với hơn 200.000 người tham gia sẽ gặp nhiều khó khăn. Để đáp ứng nhu cầu ăn uống cũng như đảm bảo thời gian giao hàng, Domino’s đã chi hàng nghìn USD để thử nghiệm khả năng giao hàng bằng động cơ phản lực.
Trên thực tế, để thực hiện “cú giao hàng trên không” này, những nhân viên của Domino’s Pizza đã tham gia nhiều lần thử nghiệm. Cuối cùng, thương hiệu đã thành công giúp khán giả tại lễ hội vừa thưởng thức món pizza yêu thích, vừa có thể xem huyền thoại người Anh Elton John, nhóm nhạc Guns N’ Roses, Arctic Monkeys,... biểu diễn.
Khán giả tại lễ hội âm nhạc Glastonbury (Anh) có thể thưởng thức chiếc bánh pizza nóng hổi trên tay bằng phương thức giao hàng bằng động cơ phản lực độc đáo của Domino’s
Nguồn: Tú Như / advertisingvietnam
Đánh giá
Email: hello@fnbdirector.com
Copyright @2014 FNB DIRECTOR - HoReCa Business School