Từ đầu năm đến nay, thị trường thực phẩm và đồ uống Việt Nam chứng kiến hàng loạt trào lưu, xu hướng (trend) ẩm thực ra đời. Đơn cử như cà phê muối, trà mãng cầu, gỏi gà măng cụt, kem 10.000 đồng, bánh đồng xu, bánh custard, trà chanh giã tay…
Không khó để bắt gặp những cá nhân, doanh nghiệp ăn nên làm ra nhờ chạy theo trend. Tuy vậy, không ít người kinh doanh lại rơi vào tình trạng dở khóc dở cười khi chạy theo trend.
Anh Trần Hải, chủ quán cà phê Bụi (phường 2, quận Tân Bình, TP.HCM), cho biết anh đã thắng đậm với món cà phê muối trong suốt năm tháng liền. Thế nhưng, anh lại thua với cơn sốt trà mãng cầu vì không phù hợp với tệp khách hàng, dù đầu tư truyền thông rất nhiều.
Chưa kể, anh còn đang đau đầu khi nóng vội mua nhượng quyền thương hiệu kem, nước giá rẻ chỉ từ 10.000 đồng, do dung lượng thị trường này đang dần trở nên chật chội và những bất đồng về giá bán từ công ty mẹ. Điều này khiến mục tiêu hoàn vốn của anh kéo dài, dòng tiền thu về khó khăn hơn.
“Rõ ràng chạy theo xu hướng, trào lưu không phải lúc nào cũng thắng. Nó tùy thuộc vào độ nhạy của người kinh doanh cũng như sự phù hợp với tệp khách hàng của quán” - anh Hải đúc kết.
May mắn hơn anh Hải, ông Hoàng Tùng, nhà sáng lập thương hiệu Pizza Home, lại tìm ra cơ hội kinh doanh từ sức mạnh của các xu hướng kinh doanh thực phẩm hướng mới. Ông Tùng kể: “Ngay khi bánh phô mai đồng xu vừa rộ lên, chúng tôi đã đưa sản phẩm vào thực đơn, giúp tăng lượng khách hàng vào quán và có cơ hội “upsell” (bán hàng gia tăng - PV) thêm sản phẩm chính khác. Đây cũng là cách sử dụng sản phẩm hot để tạo mồi cho thương hiệu, tạo ra dòng tiền tốt dù là ngắn hạn”.
Bí quyết thành công được ông Tùng chỉ ra là chọn đúng thời điểm tham gia xu hướng. “Người kinh doanh chỉ nên coi sản phẩm theo trend là công cụ quảng cáo, là thứ cộng thêm để nhắc khách hàng nhớ tới thương hiệu của mình. Quan trọng hơn cả vẫn là sản phẩm nền tảng của doanh nghiệp, làm tốt được phần cốt lõi thì việc thêm món trend sẽ trở thành thế mạnh” - ông Tùng nhấn mạnh.
Ở góc độ nhà nghiên cứu thị trường, ông Đỗ Duy Thanh, Giám đốc Công ty tư vấn FnB Director, cho rằng dù kinh doanh theo trend giúp nhà kinh doanh tìm kiếm được nguồn tiền ngắn hạn nhưng lại khá rủi ro.
Đầu tiên là thời điểm kinh doanh. Các xu hướng này thường mang tính ngắn hạn, gắn liền với sức nóng của mạng xã hội , sự tò mò của giới trẻ nên khi gia nhập quá trễ, nhu cầu thị trường đi xuống sẽ không đủ khả năng sinh lời hay thu hồi vốn.
“Với một xu hướng ngắn hạn thì người kinh doanh cần tham gia càng sớm càng tốt, mà tốt nhất là trong vòng 3-6 tháng từ thời điểm bùng nổ” - ông Thanh khuyến nghị.
Thách thức thứ hai đến từ đặc tính thời vụ. Người kinh doanh theo xu hướng sẽ khó tìm được tệp khách hàng trung thành với thương hiệu. Đây cũng là lý do mà nhiều thương hiệu lớn không mặn mà với những xu hướng mới nổi, chưa kể khi bán các sản phẩm thời vụ, họ khó vận hành trên một hệ thống quy mô lớn.
Thách thức thứ ba và cũng lớn nhất, theo ông Thanh là ở khía cạnh an toàn thực phẩm . Bởi nhiều người chạy theo hot trend là cá nhân đơn lẻ, ít được đào tạo chuyên môn về an toàn thực phẩm, có thể gây rủi ro cho xã hội nếu xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm.
“Chính vì thế, người kinh doanh khi tham gia xu hướng cần xác định các thách thức để tìm ra cơ hội cho chính mình. Theo tôi, một số xu hướng mang tính “mì ăn liền” chỉ có thể trở thành mô hình có tính ổn định khi có các nhà đầu tư lớn tham gia để tiếp tục duy trì nhận diện và có ngân sách để tiếp cận thị trường trong thời gian dài 2-3 năm” - ông Thanh nói.
Nhìn vào bức tranh tổng quát, ThS Trần Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu, ứng dụng và đổi mới sáng tạo doanh nghiệp, không cổ vũ cho ai muốn khởi nghiệp với sản phẩm đang hot trend, nhất là trong giai đoạn cuối năm.
Ông Tuấn lý giải: “Kinh doanh theo trào lưu giới trẻ có thể coi là sự sáng tạo trong kinh doanh nhưng chỉ dừng lại ở sáng tạo sản phẩm, không có tính bền vững. Nếu cổ động để bạn trẻ khởi nghiệp, càng vào đông thì càng “chết” nhanh. Khi quá nhiều người chạy theo cơn sốt sẽ khiến cung vượt cầu, làm tăng rủi ro cho người bán”.
Theo ThS Trần Anh Tuấn, điều quan trọng trong kinh doanh là đổi mới sáng tạo, không chỉ dừng ở sản phẩm mà còn là đổi mới tư duy, đổi mới vận hành doanh nghiệp, đổi mới quy trình và đổi mới quan hệ với khách hàng.
Ông Tuấn nhấn mạnh: “Người kinh doanh nên tạo ra nét riêng cho mình, chẳng hạn đa dạng hình thù với sản phẩm đang gây hot hoặc biến các món ăn đường phố gắn liền với yếu tố sức khỏe ”.
Trong khi đó, dưới góc độ kinh doanh, ông Hoàng Tùng lại gợi ý tìm cơ hội kinh doanh sản phẩm hot trend ở các khu vực ngoại ô TP, tỉnh lẻ. Bởi những sản phẩm này đã có sự thành công nhất định ở TP lớn, có nghĩa là bản thân món ăn đó, đồ uống đó đã có một sức hút và nhờ vào sức ảnh hưởng của mạng xã hội, các khu vực tỉnh lẻ đều biết đến.
“Tuy vậy, cần xem xét sản phẩm đó thuộc trend ngắn hay dài, mức đầu tư bao nhiêu. Bởi có nhiều mô hình là hot trend ở TP có mức đầu tư lớn nhưng mang về tỉnh không thành công, vì chi phí đầu tư cao mà giá thành bán ra phải thấp, phù hợp với mức thu nhập tại địa phương” - ông Tùng phân tích.
Cơn sốt bánh đồng xu, bánh custard chưa nguội thì thị trường thực phẩm đồ uống tại TP.HCM lại đang xôn xao với món bánh bò thốt nốt.
Tại một điểm bán trên đường Phan Thế Hiển (quận 8), xe bánh bò thốt nốt với giá chỉ 5.000 đồng/cái của vợ chồng ông Nga luôn tấp nập khách lui tới. Vào giờ cao điểm, thực khách được phát số thứ tự để chờ lấy bánh.
Theo ông Nga, mỗi ngày ông bán khoảng 200 cái. Giá một cái bánh bò truyền thống là 5.000 đồng, nếu thêm nhân đậu phộng, phô mai hoặc ca cao có giá 10.000 đồng/cái. Bánh nóng hổi có lớp vỏ ngoài màu cánh gián, phần viền giòn rụm, nhân giữa xốp và mịn.
Cùng với bánh bò thốt nốt, bánh đồng xu phô mai, bánh custard cũng chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Nhiều điểm bán trên vỉa hè cũng như các siêu thị Emart, Lotte Mart… cho biết vẫn đón nhận lượt khách khủng.
Đánh giá
Email: hello@fnbdirector.com
Copyright @2014 FNB DIRECTOR - HoReCa Business School