15h30 chiều, chị Kim Hạnh (quận Phú Nhuận, TP HCM) đặt ly trà sữa cuối cùng nhưng bất thành. "Muốn uống ly trà sữa trước khi cấm bán mang đi nhưng tôi không tìm được tài xế. Hai hôm nay, đặt mua đồ về nấu ăn trên GrabMart rất khó vì đều báo hết. Hay cả cửa hàng bán trực tiếp qua điện thoại tôi đặt cũng hẹn rồi hủy đơn liên tục", chị Hạnh cho biết.
Nhiều người tiêu dùng không chọn cách đi siêu thị cũng vất vả trong việc tiếp cận kênh online. Anh Nhật Mai (quận 8, TP HCM) cho biết thử đặt ở các kênh GrabMart, Bách Hoa Xanh nhưng nhiều lần không thành công. "Cũng có vài chỗ đặt được nhưng kiếm không ra tài xế nhận đơn", anh Mai nói.
Một số khách có đơn thì rơi vào tình trạng dở khóc dở cười, phải miễn cưỡng mua hàng. Chị Khánh Như (quận Phú Nhuận , TP HCM) cho hay, những ngày này nếu may mắn đặt thành công đơn hàng thì cũng không mua đủ món đã chọn.
"Các điểm bán hết hàng nhưng họ không cập nhật kịp. Tôi đặt nhiều món cùng một đơn mà có món hết, phải chịu đổi ngang món khác chứ không rút ra hay hủy đơn được. Cuối cùng tôi phải chấp nhận đổi từ cánh gà sang đùi gà, hoặc đổi từ một chai tương ớt hiệu quen thuộc sang 2 chai khác hiệu lạ hoắc", chị Như nói.
Trên G Kitchen - ứng dụng chuyên bán các loại thịt cá tươi, lượng đặt hàng tăng vọt khi có tin TP HCM thực hiện Chỉ thị 16 của Chính phủ từ 0h ngày 9/7. Bình thường người đặt mua có thể nhận hàng nhanh nhất trong 3 tiếng hoặc qua ngày hôm sau. Tuy nhiên, hiện hệ thống này đã thông báo hết sạch hàng và chưa biết khi nào có hàng trở lại.
Trao đổi với VnExpress, đại diện Grab cho biết đơn hàng GrabMart có tăng trong vài ngày trở lại đây. Phía Be cũng tương tự. "So với thứ Ba và thứ Tư tuần trước thì thứ Ba và thứ Tư tuần này lượng đơn hàng tăng gấp đôi, khoảng 200%", đại diện Be cập nhật về dịch vụ Be Đi Chợ.
Khó khăn trong việc mua hàng giao nhận tức thì, những người dùng kiên nhẫn hơn đổ qua mua thực phẩm trên các sàn thương mại điện tử, vốn sẽ có thời gian giao hàng lâu hơn, với 2-4 tiếng trong ngày là sớm nhất. Các sàn lớn đồng loại ghi nhận lượng khách tăng dồn dập.
Chỉ trong một ngày 7/7, doanh số ngành hàng thực phẩm tươi sống của Lazada đạt mức tương đương với cả tháng 7/2020. Sàn này cho hay hôm qua đã bán được hơn 2 tấn sườn que và thịt gà; 10.000 trứng gà, vịt đã được bán hết chỉ sau 12 giờ đầu ngày. Cùng với đó, 120.000 hộp sữa tươi đã bán hết chỉ trong 3 giờ.
Phía Tiki cho hay, tính chung 6 tuần qua, ngành hàng thực phẩm tươi sống trên sàn này đã tăng trưởng kỷ lục đến hơn 10 lần so với trước lúc bùng dịch trên cả nước. Cuối giờ chiều 8/7, Shopee cho hay lượng truy cập và giao dịch vẫn gia tăng do nhu cầu mua sắm và dự trữ thực phẩm, nhu yếu phẩm, bách hóa, các mặt hàng liên quan đến sức khỏe, vệ sinh cá nhân.
Các sàn thương mại điện tử khẳng định đã tính phương án ổn định giá hàng hóa và tăng cường năng lực hệ thống logistics, hạn chế tình trạng chậm trễ đơn hàng trong thời gian giãn cách theo Chỉ thị 16.
Tiki cho biết đã tăng lượng cung hàng hóa tập trung vào các sản phẩm thiết yếu, bao gồm thực phẩm (hợp tác với các hhà bán thực phẩm tươi sống), đồ dùng chống dịch như khẩu trang, nước rửa tay... và thực phẩm khô như bánh, kẹo, mỳ tôm....
Đại diện Shopee cũng cho biết sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các đối tác thương hiệu và nhà bán hàng, đảm bảo các sản phẩm liên quan đến sức khỏe, nhu yếu phẩm và đồ gia dụng thiết yếu luôn có sẵn và dễ tiếp cận với người tiêu dùng. Đi kèm với đó là các chương trình ưu đãi giảm giá 50% sẽ tiếp tục được tung ra.
Sàn Sendo thậm chí còn mở chương trình "Đi chợ tại nhà" từ hôm 8/7, với trên 25 loại rau củ quả, trái cây đặc sản vùng miền, trứng cùng các mặt hàng bách hóa thiết yếu. Sàn này khẳng định họ kết nối trực tiếp với các hợp tác xã nuôi trồng tại các địa phương lân cận để có nguồn hàng. Từ đó, hàng trăm tấn thực phẩm tươi sống cho thành phố mà không cần thông qua các chợ đầu mối.
Thực phẩm được khách hàng đặt mua trên Sendo sẽ được thu hoạch và đóng gói ngay tại vùng trồng, sau đó được vận chuyển đến tay trong 24 giờ sau khi đặt hàng. "Có sẵn công nghệ, nguồn cung và kinh nghiệm với nông sản tươi, chúng tôi đã có thể nhanh chóng đưa vào áp dụng khi nhận thấy nhu cầu cấp thiết của người dân thành phố", ông Nguyễn Đắc Việt Dũng, Chủ tịch Sendo, cho biết.
Ở khâu logistics đang căng thẳng những ngày qua, Lazada cho biết đã triển khai nhiều phương án, bao gồm việc tăng cường sắp xếp nhân sự giao hàng liên tục trong suốt tuần. Đồng thời, đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) trong việc thiết kế lộ trình di chuyển của nhận viên giao hàng để giao được nhiều đơn nhất trong thời gian nhanh nhất có thể.
Với Tiki, trong cao điểm 2 tuần kể từ 9/7, sàn này sẽ triển khai gói hỗ trợ chi phí logistics cho các nhà bán hàng sử dụng hình thức Seller Delivery - hình thức nhà bán tự vận hành việc giao hàng, thường áp dụng với nhóm ngành hàng tươi sống.
Đại diện Shopee nói đã tăng cường hệ thống kho vận, dịch vụ giao hàng để hỗ trợ quy mô và tần suất mua sắm trực tuyến đang tăng nhanh trong giai đoạn gần đây, trên tinh thần tuân thủ các chỉ dẫn về phòng tránh dịch Covid-19.
Nguồn:VNexpress