fnb_director_logo_2024_ap_dung_nen_sang_mau_1500
horeca_business_school

Nestlé muốn “biến” Việt Nam thành trung tâm đồ uống toàn cầu

Mỗi năm Nestlé thu mua từ 20 - 25% lượng cà phê của Tây Nguyên, là nhà thu mua cà phê lớn nhất Việt Nam và nuôi tham vọng “biến” Việt Nam thành trung tâm sản xuất thực phẩm, đồ uống toàn cầu.

Để chế biến phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu mỗi năm Nestlé thu mua từ 20 - 25% lượng cà phê của Tây Nguyên, giúp Nestlé duy trì vị trí nhà thu mua cà phê lớn nhất Việt Nam. Và Nestlé đã không dấu tham vọng “biến” Việt Nam thành trung tâm sản xuất thực phẩm, đồ uống toàn cầu.

Nhằm hiện thực hoá mong muốn đó, Nestlé cam kết đầu tư thêm 132 triệu USD trong 2 năm tới để tăng gấp đôi công suất chế biến các dòng cà phê chất lượng cao tại nhà máy Nestlé Trị An, và đến thời điểm này tổng vốn mà tập đoàn đầu tư vào Việt Nam được nâng lên 730 triệu USD.

Thu hái cà phê ở Tây Nguyên

Xuất khẩu cà phê hoà tan đạt mức tăng trưởng hai con số

Ông Suan Win Lee, Giám đốc chuỗi cung ứng công ty Nestlé Việt Nam cho biết, trong 3 quý đầu năm 2021, xuất khẩu các mặt hàng cà phê của Nestlé Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng hai con số so với cùng kỳ năm trước, bất chấp ảnh hưởng tiêu cực của đợt bùng phát thứ 4 của đại dịch COVID-19 lên các hoạt động kinh doanh, chuỗi cung ứng của Nestlé cùng đối tác trong nước và quốc tế.

Hiện nay tất cả sản phẩm của Nestlé được sản xuất từ 100% hạt cà phê Việt Nam chất lượng cao, và xuất khẩu đến 25 thị trường đã đón nhận sự yêu thích từ nhiều người tiêu dùng trên thế giới. Đặc biệt, các sản phẩm giá trị gia tăng đóng vai trò trung tâm đưa các sản phẩm cà phê rang xay có nguồn gốc bền vững đi các thị trường Châu Á, Châu Đại Dương và hạ Sahara (Châu Phi).

“Công ty đã nhận ra những cơ hội để mở rộng sản xuất cà phê ở Việt Nam trong những năm tới. Tập đoàn Nestlé hiện là đơn vị thu mua cà phê lớn nhất khi thu mua 20-25% tổng sản lượng cà phê Việt Nam mỗi năm, trị giá khoảng 700 triệu USD. Ngoài ra, chất lượng sản phẩm cà phê Nestlé sản xuất tại Việt Nam đang được người tiêu dùng tại 25 thị trường, bao gồm những thị trường khó tính tại Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ và Úc chấp nhận”, ông Suan Win Lee nhấn mạnh.

Nhà máy Nestlé Trị An

Vừa qua, công ty Nestlé Việt Nam đã được Bộ Công Thương trao chứng nhận “Nhà xuất khẩu uy tín năm 2020”. Trong các doanh nghiệp được trao chứng nhận uy tín này, Nestlé Việt Nam là doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài duy nhất thuộc ngành hàng cà phê được Bộ Công Thương công nhận.

“Biến” Việt Nam thành trung tâm sản xuất thực phẩm, đồ uống toàn cầu

Ông Binu Jacob, Tổng Giám đốc Công ty Nestlé Việt Nam cho biết, nhà máy Nestlé Trị An là một trong những nhà máy sản xuất lớn nhất của Nestlé tại Việt Nam, cũng là một trong những nhà máy chế biến cà phê có quy mô và công nghệ hiện đại trong khu vực của tập đoàn. Ngoài mục tiêu sản xuất các sản phẩm cà phê chất lượng cao phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng Việt Nam, các sản phẩm sản xuất tại nhà máy Nestlé Trị An đã được xuất khẩu đi hơn 25 quốc gia trên thế giới.

Với thế mạnh có sẵn thị trường tiêu dùng tại nhiều nước, bên cạnh xuất khẩu cà phê hoà tan lớn trên thế giới, Nestlé còn đặt mục tiêu đưa Việt Nam trở thành trung tâm cung ứng thực phẩm và đồ uống của thế giới. Nằm trong mục tiêu chung đó, Nestlé Việt Nam đã và đang tăng cường quảng bá hình ảnh và đưa các sản phẩm có nguồn gốc bền vững, được sản xuất tại Việt Nam đến nhiều quốc gia trên thế giới.

“Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành trung tâm sản xuất các mặt hàng thực phẩm, và đồ uống đóng gói cho cả thế giới nhờ có một lực lượng lao động giỏi tay nghề và tinh thần làm việc cao. Bên cạnh đó, hệ thống vận hành của Nestlé Việt Nam đang nằm trong nhóm hiệu quả và linh động hàng đầu đối với tất cả thị trường mà tập đoàn Nestlé đang có mặt. Khoản đầu tư mới cho nhà máy chế biến cà phê sẽ giúp Nestlé Việt Nam sản xuất đa dạng các sản phẩm cùng với dây chuyền, thiết bị và công nghệ tiên tiến, Nestlé Việt Nam tiếp tục đặt mục tiêu nâng cao giá trị các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam, đặc biệt là sản phẩm cà phê, đồng thời tăng cường xuất khẩu sản phẩm Made in Vietnam ra khu vực và thế giới”, Tổng Giám đốc Công ty Nestlé Việt Nam chia sẻ.

Việt Nam là nước sản xuất và xuất khẩu cà phê Robusta lớn thứ hai trên thế giới và được xếp hạng cao về năng suất. Vì vậy, trong thời gian tới việc cải thiện cận biên trong năng suất, chứng nhận và nông nghiệp bền vững cần được chú trọng trong bối cảnh nhu cầu về cà phê đã và sẽ tiếp tục tăng trên phạm vi toàn cầu.

Cam kết đầu tư lâu dài và vì sự phát triển bền vững của Việt Nam

Nhằm thực hiện sứ mệnh, tầm nhìn và cam kết được xây dựng dựa trên quan điểm để có thể thành công trong dài hạn, Nestlé không dừng lại ở mục tiêu và hành động “bền vững” mà phải hướng tới cách tiếp cận toàn diện tập trung vào các mục tiêu nhằm “tái tạo” và “tái sinh” cho hệ sinh thái tự nhiên. Vì vậy, hầu hết phế, phụ phẩm trong quá trình sản xuất cà phê đều được Nestlé Việt Nam tái sử dụng.

Ví dụ, giai đoạn thu hoạch công ty khuyến khích nông dân thu gom những trái cà phê rụng làm phân vi sinh, khi hạt cà phê nhân chế biến thành cà phê bột sẽ tạo ra nhiều phụ phẩm khác, các phụ phẩm này lại tiếp tục sử dụng làm phân vi sinh và chất đốt, tro của chất đốt được dùng làm gạch không nung sử dụng cho các công trình dân dụng và công trình thương mại, bã cà phê còn được sử dụng làm khẩu trang.

Trước đây Nestlé Việt Nam có dự án “biến” bã cà phê thành những ly, tách gia dụng, tuy nhiên các sản phẩm này không qua được khâu kiểm nghiệm theo tiêu chuẩn an toàn của tập đoàn.

Ông Khuất Quang Hưng, Giám đốc Đối ngoại và Truyền thông Nestlé Việt Nam cho biết, ngay từ đầu trong tầm nhìn và mục đích phát triển của tập đoàn là bảo bệ môi trường nên trong quá trình sản xuất kinh doanh luôn đặt mục tiêu phát triển bền vững và phát triển xanh.

“Nestle tin rằng phát triển bền vững không là chưa đủ, mà cần can thiệp thêm để có những tác động tích cực để tái tạo lại hệ sinh thái, từ đó duy trì khả năng tự phục hồi và tái sinh của tự nhiên, góp phần tích cực trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu và bảo tồn nguồn tài nguyên cho tương lai. Do vậy, sản xuất xanh, tiêu dùng xanh là những phần việc được công ty thực hiện xuyên suốt từ năm này qua năm khác. Hiện nay hầu hết các phế phẩm, phụ phẩm trong quá trình sản xuất cà phê được công ty tái sử dụng một cách thân thiện với môi trường và tái tạo sức khoẻ cho đất. Trong sản xuất nông nghiệp phân vi sinh chính là biện pháp canh tác bền vững giúp bảo vệ “sức khoẻ” của đất và hấp thụ tốt khí CO2 được Nestlé khuyến khích nông dân áp dụng, với cách làm này không chỉ giúp giảm phát thải khí CO2, giảm chi phí sản xuất và tác động tốt môi trường, vì sản xuất nông nghiệp là lĩnh vực phát thải khí CO2 lớn thứ hai trên thế giới sau lĩnh vực năng lượng”, ông Hưng chia sẻ.

 

Nguyễn Huyền
* Nguồn: BizLive

Đánh giá

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
setup_menu_mon_ansetp_menu_do_uong
CONTACT US

FNB DIRECTOR

83 Nguyen Van Troi Apartment, Phu Nhuan Dist.

Hotline: +84 903 132 508

Email: hello@fnbdirector.com

 
FOLLOW US ON FACEBOOK

Copyright @2014 FNB DIRECTOR - HoReCa Business School