Sau khi nhận được thư phản ánh đến tòa soạn báo Tuổi Trẻ, chúng tôi đã đến gặp trực tiếp nhà đầu tư của Công ty TNHH S.TIX Coffee.
Ngồi cạnh những nhà đầu tư chung cảnh ngộ, chị Ngọc Ánh (Q.4, TP.HCM) chia sẻ chỉ trong hai tháng đã ký 5 hợp đồng với S.TIX Coffee, tổng giá trị 950 triệu đồng, nhưng được giảm giá nên chỉ đóng 835 triệu đồng.
S.TIX Coffee huy động vốn cho cả quán và xe cà phê mang đi (take away) nhưng nhà đầu tư thường rót tiền vào xe cà phê vì hằng tháng nhận được cả vốn lẫn lời.
Cụ thể, mỗi hợp đồng hợp tác kinh doanh thường có giá trị 190 triệu đồng, nhà đầu tư trở thành đại lý của 5 điểm bán cà phê mang đi, được S.TIX Coffee cam kết trả tối thiểu 20 triệu đồng/tháng. Sau một năm kết thúc hợp đồng, nhà đầu tư không chỉ nhận được toàn bộ vốn, mà còn lời 50 triệu đồng (26%/năm).
Như vậy với 5 hợp đồng trong tay, chị Ngọc Ánh có thể lời tối thiểu 250 triệu chỉ trong một năm. Tuy nhiên, dù chưa nhận đủ tiền tháng đầu tiên, nhưng từ tháng 7 đến nay công ty lại đột ngột ngưng chi trả.
Ngồi kế bên, anh Phát (TP.HCM) cho biết đã tìm hiểu kỹ trước khi rót vốn: "Tôi tới nhiều quán cà phê của S.TIX Coffee để trải nghiệm với tư cách khách hàng, quán rất đông, nhiều khi không có chỗ ngồi. Tới các xe take away thì thấy cũng có khách. Nhắm mô hình này làm ăn được nên mới đầu tư".
Sau khi ký những hợp đồng đầu tiên, có thời điểm công ty trễ hẹn thanh toán nên đã bù tiền lãi. Lòng tin tăng thêm, anh Phát mạnh tay rót tổng cộng 1,81 tỉ đồng (được khuyến mãi giảm 190 triệu đồng) để đầu tư vào các xe cà phê. Trừ đi số tiền đã nhận, đến nay S.TIX Coffee còn nợ anh Phát xấp xỉ 1 tỉ đồng vốn.
Đáng chú ý, ngay trong tháng 6 - thời điểm TP.HCM giãn cách theo chỉ thị 15, ông Lộc (Q.5) cũng bị mời chào vào 10 hợp đồng hợp tác kinh doanh xe cà phê mang đi, nhưng chỉ cần góp vốn 1,57 tỉ đồng (được khuyến mãi tới 330 triệu đồng), lợi nhuận hứa hẹn từ 26%/năm.
"Họ hứa hẹn, nói là việc kinh doanh cà phê mang đi hoàn toàn không ảnh hưởng do dịch, nếu có bất khả kháng thì chỉ tạm ngưng bảo toàn vốn và không có ảnh hưởng gì nên gợi ý cho tôi đầu tư thêm", ông Tiến chia sẻ. Hiện công ty đang nợ nhà đầu tư này gần 1,3 tỉ đồng vốn.
Cũng ngay ngày TP.HCM bắt đầu giãn cách theo chỉ thị 16 (9-7), ông Thương (TP Hải Phòng) đã ký hợp đồng, chuyển hơn 1,2 tỉ đồng vào tài khoản cá nhân của ông Đinh Công Đạt - tổng giám đốc S.TIX Coffee. Nhiều nhà đầu tư khác cho biết đa phần đều đưa tiền mặt hoặc chuyển thẳng vào tài khoản cá nhân của ông Đạt.
Nhà đầu tư chia sẻ, trước khi ngưng chi trả, công ty "hốt cú chót" bằng cách tung ra 30 suất "ưu đãi", giảm giá từ 190 triệu xuống còn 155 triệu/hợp đồng.
"Cứ tưởng may mắn, ai ngờ vừa nộp tiền xong, vài ngày sau công ty đã ngưng chi trả, chưa kịp nhận lại đồng nào", anh Lý (Q.Bình Tân) nói. Trước đó, anh Lý còn được công ty này tặng cà phê để thưởng thức đánh giá sản phẩm, tặng thẻ VIP giảm 20% khi uống tại các quán thuộc hệ thống.
Sau thời gian ngưng chi trả như cam kết, đến ngày 8-11, S.TIX Coffee gửi email đến nhà đầu tư, đính kèm thông báo do tổng giám đốc Đinh Công Đạt ký tên, bày tỏ do thương hiệu non trẻ, "để khẳng định vị trí của mình trong lĩnh vực F&B đầy tính cạnh tranh khốc liệt", doanh nghiệp đã mở rộng chi nhánh, đổ tiền marketing, nên cho đến trước đại dịch, toàn bộ hệ thống vẫn hạch toán lỗ, chưa có lợi nhuận. Đại dịch đã khiến sức khỏe tài chính suy yếu hơn.
Sau khi đưa ra khó khăn, ông Đạt thông báo toàn bộ hệ thống S.TIX Coffee sẽ tạm dừng hoạt động. Từ 15-1-2022, công ty bắt đầu hoàn vốn cho những ai đã đồng ý ký vào bản thỏa thuận và gửi về công ty trước thời gian trên; thực hiện chi trả hằng tháng, kéo dài trong 3 năm.
Nhiều nhà đầu tư không đồng tình, đặt vấn đề tại sao trước kia S.TIX báo lãi đều, trấn an rằng kinh doanh cà phê mang đi không bị ảnh hưởng do dịch, nhưng nay lại lấy dịch để viện lý do. Theo thông báo trên, nếu nhà đầu tư không đồng ý ký thỏa thuận thì sẽ bị mất vốn? Công ty lấy tiền ở đâu để trả khi ngưng kinh doanh?
"Chúng tôi đã liên hệ nhưng lãnh đạo công ty không phản hồi. Nhiều người nghi ngờ sẽ bị tẩu tán tài sản, tôi rất lo lắng, trong đó có cả tiền hai vợ chồng dành để làm đám cưới", chị Ngọc Ánh bày tỏ.
Tuổi Trẻ Online đã gọi điện, nhắn tin, nhưng tổng giám đốc S.TIX Coffee không phản hồi. Sau nhiều ngày gửi thông tin đến mail của ban giám đốc, một người đã liên lạc, bày tỏ mình không liên quan đến hoạt động huy động vốn trên, đã nghỉ làm tại công ty.
Nhiều nhà đầu tư đã gửi đơn tố cáo S.TIX Coffee đến Cơ quan cảnh sát điều tra Q.10 (vốn dưới 500 triệu đồng) và Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu TP.HCM (vốn trên 500 triệu đồng).
Sau khi sự việc chuyển xấu, nhiều nhà đầu tư đối chiếu và phát hiện cùng một điểm kinh doanh (xe cà phê) nhưng S.TIX Coffee lại ký hợp đồng với 5-8 người (thống kê chưa đầy đủ), chứ không chỉ riêng mình.
"Làm sales được khoảng hai tháng, khi phát hiện nhiều người bị ký trùng điểm kinh doanh, tôi cảm thấy bất an nên rủ nhiều đồng nghiệp khác nghỉ việc", anh Nhàn (nhân viên cũ) chia sẻ. Nhiều khách hàng nói sau khi anh Nhàn nghỉ thì họ không ký thêm hợp đồng, nhưng khi sự việc vỡ lở mới biết không phải vậy.
Luật sư Phạm Hoàng Sang (Đoàn luật sư TP.HCM) nhận định người dùng thủ đoạn gian dối, đưa thông tin sai sự thật nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác có thể cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, theo quy định tại điều 174 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Ở trường hợp trên, một hợp đồng hợp tác kinh doanh trung bình có giá trị 190 triệu đồng (5 xe cà phê), tương đương huy động 38 triệu đồng/xe. Nếu chỉ với một địa điểm kinh doanh, S.TIX Coffee cùng lúc huy động vốn từ nhiều người, khiến giá trị đầu tư vượt xa giá trị thật, thì có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhà đầu tư thứ cấp.
* Tên nhân vật đã thay đổi theo nguyện vọng