Kiểu phục vụ này thường được áp dụng trong những Fine Dinning Restaurant (nhà hàng cao cấp) cung cấp dịch vụ hoàn hảo nhất đến khách hàng nhằm mang lại sự hài lòng tuyệt đối. Bạn sẽ không thể tìm hay nhìn thấy những đĩa thức ăn chất thành một đống đầy đặn như ở những nhà hàng thông thường; thay vào đó sẽ là một khối bé tí xíu phần đồ ăn được các đầu bếp khéo léo đặt để đẹp mắt trên một chiếc đĩa to. Tại sao lại như vậy? Việc làm này có ý nghĩa hay chủ đích gì không?
Không có một lý giải chính thức chính xác nhất cho phong cách phục vụ này tại các nhà hàng hạng sang, nhưng một số người sành ăn hay đầu bếp chuyên nghiệp đã hướng đến 5 lý do cụ thể và thuyết phục sau đây:
Những nhà hàng lớn muốn giữ gìn và nâng cao thương hiệu đều chú trọng khâu chế biến và phục vụ; họ ưu tiên sử dụng những nguyên vật liệu đảm bảo chất lượng và đắt đỏ, kể cả những nguyên vật liệu hiếm với số lượng hạn chế, do đó, giá thường sẽ rất cao. Để đảm bảo “có lời”, dĩ nhiên họ phải tính toán để phục vụ một phần ăn ít nhất có thể nhưng vẫn đảm bảo khách hàng hài lòng với chất lượng dịch vụ tốt nhất. Chẳng hạn, các món như trứng cá tầm, nấm truffles sẽ luôn có giá trên trời, thịt bò thì sẽ là những miếng có vân cẩm thạch dạng prime. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng lý giải này không thực sự thuyết phục. Bởi vẫn tồn tại một số món ăn có thành phần nguyên vật liệu dễ tìm (như rattatouille hay súp bí đỏ chẳng hạn) vẫn được phục vụ với khẩu phần ăn rất nhỏ.
Sự thật là các đầu bếp sẽ rất khó, thậm chí không thể “tạo hình” cho đĩa thức ăn đầy ắp và tràn ra đến tận mép. Việc chừa khoảng trống trên đĩa giúp việc trang trí trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn bằng cách tạo hình cho đĩa thức ăn với các loại rau, củ quả hay nước sốt.
Gần như mọi thực khách đến dùng bữa tại những nhà hàng hạng sang đều không nhằm mục đích ăn no, mà ăn để thưởng thức; nhất là những người thích Fine dinning. Do đó, họ đề cao tính thẩm mỹ và không khí của bữa ăn. Sẽ thật sự mất đi sự sang trọng và trang nhã của buổi tiệc tối lãng mạn nếu xuất hiện những đĩa thức ăn chất đống trên bàn hay một phần ăn quá lớn khiến bạn ăn không hết và để lại vươn vãi khắp nơi… thay vào đó, một chiếc đĩa sạch trơn không có thức ăn thừa (vì phần ăn quá ít) sẽ khiến khung cảnh trông sạch sẽ và gọn gàng hơn.
Cùng là một đĩa Spaghetti nhưng thay vì nhìn và ăn một đĩa ứ nự nào mỳ xào, thịt bò, nước sốt… thì với phần ăn ít hơn sẽ cho thực khách cảm giác vừa đủ, tức nhìn đủ đẹp, ăn đủ no, thường thức đủ vị. Chưa kể, nếu món ăn rất ngon, đôi khi thực khách còn bị cảm giác “thèm” do ăn chưa đủ, khi đó, họ sẽ muốn ăn tiếp hoặc ghé lại vào những lần sau.
Nhiều người cho rằng việc những nhà hàng hạng sang phục vụ theo phong cách này là để tạo sự khác biệt, giúp phân biệt nhà hàng này với những dạng nhà hàng “bình dân” khác nhằm xây dựng và định hình thương hiệu.
Những vị khách sành ăn thường nói bông đùa về kiểu phục vụ này là “như không có gì trên đĩa nhưng sẽ có mọi thứ trên hóa đơn”. Song thay vì phàn nàn hay khó chịu vì khẩu phần ăn bé tí trong khi phí chi trả lại khá cao, đa phần thực khách thích fine dinning đều tỏ ra hài lòng về chất lượng món ăn và giá trị tinh thần mà họ nhận được.
Ms. Smile
Nguồn: hoteljob.vn
Đánh giá
Email: hello@fnbdirector.com
Copyright @2014 FNB DIRECTOR - HoReCa Business School