Theo báo cáo, số lượng quán cà phê được mở mới tháng 04.2022 mọc như nấm sau mưa, chủ yếu tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Ước tính trung bình hàng ngày, số lượng quán mới khai trương khoảng 139,67.
Loại đồ uống cũng được phân hóa rõ rệt, cho thấy sức tăng trưởng mùa nóng đang ảnh hưởng rõ ràng như thế nào. Theo báo cáo của Reputa về ngành F&B tháng 04.2022, "Trà sữa trân châu" dẫn đầu danh sách các loại đồ uống nhận nhiều lượt thảo luận nhất trên mạng xã hội, chiếm 38% thảo luận của người dùng. Kế đến là "Các loại trà" chiếm 13%, "Cà phê" chiếm 11,97%.
Tín hiệu khả quan về ngành F&B cho thấy sự phục hồi kể cả số lượng và chất lượng. Nhiều loại hình đồ uống sáng tạo được sinh ra, đem đến thị trường muôn vàn sắc màu. Theo thông cáo mới nhất từ The Coffee House, đơn vị này vừa tung ra bộ sưu tập mới mang tên Hi-Tea Healthy có thành phần chính là trà hoa 100% Hibiscus tự nhiên. Bộ sưu tập mới ghi nhận doanh thu đáng kể, chiếm tới hơn 25% doanh thu dù chưa có bất kỳ hoạt động quảng cáo truyền thông rộng rãi nào.
Bên cạnh đó, tập đoàn KIDO đang "tất tay" cho cuộc đua F&B tại Việt Nam, với thương hiệu Chuk Chuk vừa được ra mắt. Hướng tới mục tiêu cán mốc 400 điểm bán, tương ứng doanh số 500 tỷ đồng trong năm 2022, "ông lớn" này thậm chí đã bắt tay với tập đoàn Sơn Kim, nhằm đưa sản phẩm của Chuk Chuk có mặt trong hệ thống cửa hàng tiện lợi GS25, theo mô hình Ki-ốt.
Tuy nhiên, cuộc đua mở rộng điểm bán hàng không chỉ dành cho những ông lớn. Nhiều mô hình đồ uống được làm mới lại, với định vị phù hợp hơn với sản phẩm.
Lấy ví dụ, dòng sản phẩm đậu nành trước đây được xây dựng với hình ảnh cao cấp, trải nghiệm thân thiện và không gian xanh đẹp. Giờ đây, dòng sản phẩm này được nhiều doanh nghiệp F&B tinh gọn và hướng tới sự tiện lợi, nhằm dễ dàng tiếp cận được thêm nhiều khách hàng phổ thông hơn, như Soyalist (Hà Nội) và Tàu hũ Yummy (Đà Nẵng).
Trong quá trình khai trương chuỗi nhượng quyền thứ 28, một chủ thương hiệu bán tàu hũ (tào phớ) chia sẻ: "Tính tới thời điểm hiện tại, các điểm bán hàng của tôi được phát triển chỉ trong vòng 8 tháng. Dù bắt nguồn từ Đà Nẵng, nhưng hiện tại chúng tôi đã xuất hiện những điểm bán hàng đầu tiên tại Tây Nguyên, TP Hồ Chí Minh và tiến tới là gần 10 điểm bán hàng mới tại Hà Nội. Với vốn đầu tư chi phí ban đầu và diện tích quán nhỏ, mô hình này giúp tôi cùng các đối tác nhượng quyền dễ dàng khởi nghiệp Kinh doanh và hoàn vốn chỉ trong thời gian ngắn. Thị trường vô cùng đón nhận mô hình này, khi doanh nghiệp F&B mất ít chi phí và khách hàng nhận được nhiều giá trị hơn".
Tuy nhiên, nhiều thách thức đang đặt ra với ngành đồ uống trong năm 2022. Theo đánh giá từ công ty nghiên cứu thị trường Euromonitor, giá trị ngành cà phê và trà Việt Nam hàng năm đạt 1 tỷ USD, với dư địa phát triển còn lớn. Chính vì vậy dù gặp nhiều ảnh hưởng bởi đại dịch, hàng loạt "ông lớn" với tiềm lực tài chính mạnh, cùng nhiều quán café nhỏ lẻ tiếp tục tấn công và mở rộng, khiến thị trường vô cùng cạnh tranh và khó thâm nhập.
"Với lượng khách hàng tăng đột biến của iPOS.vn trong 5 tháng đầu năm vừa qua, chúng tôi không ngờ thị trường lại tiến triển tốt đến vậy", ông Vũ Thanh Hùng – CEO iPOS.vn nhấn mạnh trong buổi giao lưu với cộng đồng người làm F&B vừa qua.
Đứng trên góc độ nhà quản lý, ông Hùng chỉ ra 3 thách thức của ngành đồ uống năm 2022: tinh gọn vận hành, bán hàng online và tính khác biệt của thương hiệu.
Thách thức đầu tiên liên quan đến tính khác biệt.
Ông Hùng chia sẻ: "Cần định vị rõ nhóm khách hàng của bạn là ai, điều này giúp khách hàng đọng lại suy nghĩ: Quán bạn như thế nào, phù hợp với hoạt động gì? Quán của bạn không cần quá đặc biệt, nhưng cần tách biệt với đám đông. Tôi lấy ví dụ, một bạn nhân viên văn phòng có thể chọn một quán café yên tĩnh để làm việc buổi sáng, nhưng lại chọn một quán café vỉa hè để gặp gỡ và tán gẫu với bạn bè vào buổi chiều".
Yếu tố tiếp theo liên quan đến tinh gọn vận hành.
"Đại dịch đã dạy cho nhiều chủ quán rành về kinh doanh hơn. Họ biết tiết kiệm từng đồng, luôn đề phòng tình huống bất khả kháng. Chính vì vậy, tinh gọn mô hình Kinh doanh, quy chuẩn vận hành là yếu tố sống còn để giúp doanh nghiệp có lợi nhuận. Tôi lấy ví dụ, nhiều chủ quán đã chuyển mình để áp dụng công nghệ trong quản lý doanh thu, nhân sự, chi phí, chí ít là dùng Excel để tính toán lời, lãi. Sổ bán hàng và các phương thức quản lý thủ công gần như được lược bỏ", ông Hùng nhận định về thách thức về vận hành tinh gọn.
Thách thức cuối cùng được đặt ra tại thị trường bán hàng trực tuyến.
"Tôi thấy được sự chững lại của việc đặt hàng online, do ảnh hưởng của giá xăng tại Việt Nam và toàn cầu, dẫn đến chi phí cho mỗi cuốc ship tăng cao đáng kể. Bên cạnh đó, những tín hiệu tích cực về miễn dịch cộng đồng khiến khách hàng có xu hướng đến tận nơi trải nghiệm hoặc mua mang về. Vì vậy, cần lưu ý để phân bổ hợp lý, sao cho kênh bán hàng tại chỗ là chuyên nghiệp nhất. Kênh bán hàng trực tuyến vẫn cần duy trì theo hướng tiếp cận khác, ví dụ như đưa ra chương trình khuyến mãi, miễn phí vận chuyển với mức đơn hàng nhất định,… để kích thích khách hàng đặt nhiều sản phẩm hơn", ông Hùng đánh giá.
Nhìn chung, thị trường đang vô cùng tích cực về mặt tiêu dùng, nhưng ảnh hưởng lớn về chi phí vận hành đang khiến doanh nghiệp F&B gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, điều đó lại gián tiếp giúp ngành F&B hồi phục và phát triển theo cách "bình thường mới".
Kiều Anh / Nhịp Sống Kinh Tế
Đánh giá
Email: hello@fnbdirector.com
Copyright @2014 FNB DIRECTOR - HoReCa Business School