Nghiên cứu mới nhất về Chỉ số Tự tin Du lịch (Travel Confidence Index) tại Châu Á – Thái Bình Dương năm 2023 của Booking.com cho thấy những nhận định và hành vi của du khách Việt Nam, cùng những thay đổi trong cách người Việt lên kế hoạch cho chuyến du lịch giữa những bất ổn và bận tâm xoay quanh tình hình kinh tế hiện tại.
Công ty du lịch trực tuyến Booking.com vừa nghiên cứu về Chỉ số Tự tin Du lịch APAC 2023 (TCI). Báo cáo tập trung vào hành vi du lịch của du khách khu vực Châu Á – Thái Bình Dương giữa những biến đổi lớn của nền kinh tế hiện tại và những ảnh hưởng của nó lên quyết định du lịch. Trong khi 40% du khách Việt Nam cho biết các mối quan tâm về tài chính hiện đang là bận tâm lớn nhất của họ, 83% vẫn yêu thích và muốn lên kế hoạch để chu du trong 12 tháng tới đây.
Nghiên cứu TCI 2023 do Booking.com ủy quyền và được Milieu Insight thực hiện độc lập với hơn 8.000 khách du lịch từ 11 quốc gia và vùng lãnh thổ trên khắp APAC, bao gồm Việt Nam. Cuộc khảo sát được thực hiện trực tuyến từ ngày 29/3 đến ngày 7/4/2023, xoay quanh sự tự tin đối với du lịch và du lịch bền vững xuyên suốt khu vực APAC.
2023 cũng là năm đầu tiên báo cáo TCI tiết lộ bốn kiểu hình du lịch của các nhóm du khách, qua đó thể hiện tính chất đặc thù về động lực, các ưu tiên cũng như hành vi đối với du lịch của họ. Năm nay, Việt Nam là thị trường duy nhất trong khu vực APAC nằm trong nhóm “Mindful Voyagers” (những nhà du hành chánh niệm) – tiếp cận du lịch với sự thận trọng, được thúc đẩy bởi tinh thần trách nhiệm với môi trường và mong muốn hỗ trợ cộng đồng địa phương. Nói cách khác, du khách Việt Nam là nhóm cho thấy mối quan tâm về du lịch bền vững cao nhất trong khu vực APAC.
Người Việt có xu hướng tìm kiếm trải nghiệm mới mẻ, tìm kiếm thử thách khi đi du lịch (38%). Có 35% du khách Việt cho biết họ mong muốn khám phá chính đất nước mình nhiều hơn, và 34% sẽ đi thám hiểm những điểm đến ít phổ biến với du khách.
Với gần một nửa (45%) du khách, du lịch giải trí vẫn là một phần “rất quan trọng” trong đời sống hàng ngày khi phần lớn các mối lo về dịch bệnh trước kia đã được đẩy lùi. 83% du khách Việt cho biết họ đang lên kế hoạch cho các chuyến đi của mình trong vòng 12 tháng tới, 45% đã đặt chỗ trước cho chuyến du lịch trong nước, và 26% đã đặt trước cho chuyến đi quốc tế tiếp theo (trong vòng 12 tháng tới).
Động lực du lịch đối với du khách Việt Nam rất đa dạng, song có điểm chung là mong muốn phát triển bản thân và được nghỉ ngơi thư giãn. Hơn một phần ba (35%) cho biết họ muốn đi đây đó để nghỉ ngơi hoàn toàn và lấy lại năng lượng cho bản thân; 30% muốn được đắm mình vào các nền văn hóa khác biệt; và 29% muốn du lịch để gặp gỡ những người mới, gắn kết hơn với những người mình yêu thương, cùng họ có những trải nghiệm, kỷ niệm mới bên nhau.
Trước nhu cầu du lịch lớn, báo cáo cũng chỉ ra các mối quan tâm hàng đầu mà cả du khách Việt Nam lẫn trong khu vực đều đang bận tâm. Phần lớn cho rằng tình trạng tài chính và kinh tế hiện nay là mối lo lớn nhất, bên cạnh các rủi ro về sức khỏe, y tế, và những gián đoạn du lịch khác.
Mặt khác, để tiết kiệm chi phí khi du lịch, 44% du khách cho biết họ sẽ chọn đi vào những tháng thấp điểm, 43% sẽ tận dụng các chương trình ưu đãi cho khách hàng thân thiết để bù đắp thêm chi phí, và 28% sẽ lựa chọn các phương tiện hoặc hình thức di chuyển ít tốn kém hơn trong chuyến đi của mình.
Phần lớn du khách Việt Nam có xu hướng lựa chọn ghé thăm các bãi biển và đảo (61%), theo sau là các thành phố lớn (60%); và lựa chọn hoạt động thể chất, thể thao (45%) để trải nghiệm trong chuyến đi của mình.
Ông Varun Grover, Giám đốc Quốc gia của Booking.com tại Việt Nam, chia sẻ: “Trước những bất ổn về kinh tế mà chúng ta đang đối mặt, thật đáng khích lệ khi thấy du khách Việt Nam vẫn cho thấy tinh thần sẵn sàng đi du lịch và khám phá những miền đất mới trên chính Việt Nam và tại các điểm đến quốc tế”.
Đánh giá
Email: hello@fnbdirector.com
Copyright @2014 FNB DIRECTOR - HoReCa Business School