Ông Nguyễn Lâm Viên - Chủ tịch Vinamit - đã đưa mít sấy và nhiều loại rau củ quả sấy khác tới 12 quốc gia trên thế giới như Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan... "Vua mít" có những chia sẻ với Người Đồng Hành về quá trình khởi nghiệp của bản thân.
"Hình ảnh mít bị đổ cho bò ăn ám ảnh tôi"
- Mối duyên nào đã đưa ông đến với trái mít?
- Tôi vốn là kỹ sư nông trường ở Long Khánh, Đồng Nai. Ngày đó, cán bộ, công nhân ở đó trồng rất nhiều mít. Mọi người ăn mít thay cơm vì lao động chân tay nhiều, hảo ngọt. Bà con thường chở mít ra đường bán và khi không bán hết, ngày hôm sau, mọi người đổ cho bò ăn. Hình ảnh đó ám ảnh tôi và tôi nghĩ phải tìm ra công nghệ để thay đổi thực tế trên.
Khi có cơ hội đi nước ngoài, tôi tới rất nhiều nơi nhưng sau đó, tôi chọn Đài Loan là nơi học tập và làm nghiên cứu sinh.
Khi tôi ở trong trường đại học năm 1987, các giảng viên đang nghiên cứu công nghệ chế biến sau thu hoạch. Công nghệ này lần đầu tiên được phát hiện vào năm 1984. Tôi quan tâm, tìm hiểu và sau đó đưa công nghệ về Việt Nam. Tôi cũng chọn mít làm đề tài nghiên cứu sinh.
Ông Nguyễn Lâm Viên từng bị ám ảnh bởi hình ảnh người nông dân đổ mít cho bò. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
- Vì sao là mít mà không phải loại trái cây khác?
- Tôi chọn mít vì loại cây có trái quanh năm. Tôi làm nghiên cứu sinh và áp dụng công nghệ từ các thầy ở Đài Loan để cho ra đời sản phẩm mít sấy. Năm 1989, tôi bắt đầu bán sản phẩm tại Đài Loan. Tôi mang sản phẩm tới các chợ đêm và lọt vào "mắt xanh" của các nhà đầu tư ở đó. Sau đó, họ ký hợp đồng bao tiêu 5 năm đối với sản phẩm của chúng tôi.
Những năm sau đó, tôi mở rộng với chuối, khoai lang, khoai môn... vì các loại rau củ quả này mang đặc tính tự nhiên cao và cũng có trái quanh năm. May mắn cho đến bây giờ, các sản phẩm trên vẫn được người tiêu dùng đón nhận.
Năm 1997, mít sấy được bán rộng rãi tại Trung Quốc và Mỹ.
- Còn thị trường nội địa, sản phẩm mít sấy thuyết phục người tiêu dùng như thế nào?
- Trước năm 2000, sản phẩm của chúng tôi đã bán tại Việt Nam nhưng nhiều người không nghĩ rằng do người Việt sản xuất. Những năm sau đó, tôi giới thiệu sản phẩm tại hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao và được người tiêu dùng đón nhận.
Chúng tôi bán nhiều ở Hà Nội. Một số thương nhân bán sản phẩm cho Trung Quốc, cạnh tranh với chúng tôi vì công ty bán trong nước với giá rẻ hơn.
Trước đó, chúng tôi không bán trong nước vì không đủ hàng để bán.
Xuất sang Trung Quốc còn khó hơn sang Mỹ
- Trung Quốc là thị trường nhập khẩu rau của quả lớn của Việt Nam. Tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường này ra sao?
- Năm 2021, Việt Nam thu 124 triệu USD từ xuất khẩu mít khô và tươi sang Trung Quốc.
Xuất khẩu sang Trung Quốc chính ngạch còn khó hơn so với Mỹ. Ví dụ, tiêu chuẩn về vi sinh hiếm khí thì Trung Quốc là 500 trong khi Mỹ là 10.000. Thị trường này kiểm dịch rất khắt khe.
Giao thương biên giới của Việt Nam với Trung Quốc được gọi là kinh tế biên mậu. Nghĩa là mỗi người Trung Quốc nhập hàng từ Việt Nam ở mức 80.000 nhân dân tệ được miên thuế. Do đó, người dân kinh doanh ở Trung Quốc rất thích hình thức này. Tuy nhiên, hiện tại, Trung Quốc đang kiểm dịch chặt chẽ do Covid-19, đồng thời cũng là để nâng cao chất lượng sản phẩm qua nước này.
- Ông từng nhắc đến chuyện Trung Quốc là thị trường nửa mùa. Vậy "nửa mùa" ở đây là gì, thưa ông?
- Tôi hay nói rằng Trung Quốc là thị trường nửa mùa. Có nghĩa là Trung Quốc có mùa nóng và mùa lạnh. Khi lạnh là họ đổ xô sang Việt Nam, giá nào cũng mua, gấp 20 lần họ cũng mua. Nhưng sang mùa khô thì đó là lúc sản lượng nông nghiệp lớn, họ sẽ dừng mua.
Trung Quốc có chiều dài 2.000 km dọc dòng sông Mekong, vùng Vân Nam rất tốt cho phát triển nông nghiệp. Khi vùng đó vào mùa lạnh, sản phẩm nông nghiệp không có thì Việt Nam mới là nguồn cung cho thị trường họ. Còn khi họ tự sản xuất thì họ không mua nông sản của Việt Nam.
- Về thị trường xuất khẩu của Vinamit ra sao? Nội địa chiếm bao nhiêu phần trăm?
- Xuất khẩu thường chiếm khoảng 50-70% tùy thời điểm, trong đó Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất, Mỹ thứ hai.... Tiêu thụ nội địa dao động khoảng 30-50%.
Vinamit hiện nay có khoảng 50 sản phẩm, trong đó mít nằm trong danh sách 10 loại tiêu thụ nhiều nhất. Các sản phẩm khác như chuối, khoai lang, sữa chua, đậu bắp sấy cũng nằm trong top 10 trên.
- Vinamit có khi nào gặp trường hợp bị trả hàng về không? Và ông đã xử lý tình huống này như thế nào?
- Những năm đầu xuất khẩu sang Trung Quốc, chúng tôi từng bị trả 23 container vì thiếu kinh nghiệm xuất khẩu. Lần đó là do chưa hiểu biết về dầu ăn nên hàng bị hôi trước thời hạn sử dụng. Chúng tôi thu hồi về và gánh chịu thiệt hại để giữ uy tín.
Giải pháp để việc cứu nông sản không lặp đi lặp lại
- Câu chuyện rất được quan tâm trong thời gian qua là ùn ứ tại các cửa khẩu biên giới với Trung Quốc, gây thiệt hại lớn về mặt kinh tế. Chuyện này đã diễn ra rất nhiều lần, theo ông, đâu là giải pháp?
- Việt Nam còn bán nông sản cho Trung Quốc thì còn lệ thuộc vì Trung Quốc là thị trường lớn. Nếu bỏ thị trường này thì hơi cực đoan.
Nông dân của Việt Nam canh tác giỏi nên có thể kết hợp với thương nhân Trung Quốc để mang lại giá trị. Nông dân của Việt Nam lại có công ăn việc làm, tăng thu nhập.
Đồng thời, cần tìm giải pháp cộng hưởng bảo quản, chế biến. Nông dân bảo quản khi gặp khó về tiêu thụ. Nếu gặp trở ngại trong việc bán hàng thì tăng công suất chế biến. Ví dụ thanh long thì nông dân có thể làm thanh long cô đặc, nước thanh long...
Bên cạnh đó, nhiều nông sản như hành tím, hành tây... có thể lên men để tiêu thụ sau. Quan trọng là nông dân chịu thay đổi.
Ông Viên trong một cuộc trò chuyện về nước mía sấy khô. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
- Câu chuyện chế biến sâu được nhắc đến như giải pháp giải quyết bài toán về nông sản. Quan điểm của ông ra sao?
- Chế biến sâu là phục vụ cho con người, mang lại sự thiết yếu và hữu dụng nhất cho con người. Như vậy đâu phải chỉ khi có nhà máy chế biến to mới là chế biến sâu.
Chế biến có thể là muối chua các sản phẩm, làm sao cho nổi tiếng như kim chi của Hàn Quốc. Mùa dịch này kim chi bán doanh số khủng khiếp vì họ truyền thông kim chi là kháng sinh tự nhiên, nâng cao hệ miễn dịch.
Kim chi có ớt là kháng sinh. Sản phẩm Việt có hành tây, gừng, tỏi là kháng sinh tự nhiên. Sao mình không làm!
- Có cách nào khác ngoài chế biến để tăng tiêu thụ nông sản trong nước được không, thưa ông?
- Trong nước, sản lượng tiêu thụ có giới hạn. Nếu làm thay đổi được cách ăn uống để người dân ăn nhiều rau của, đồ lên men thì sẽ tăng được tiêu thụ trong nước.
Xu hướng tương lai sẽ là rau củ quả nhưng là sản phẩm lên men
- Vùng nguyên liệu của Vinamit hiện nay ra sao?
- Chúng tôi liên kết với nông dân để có sản phẩm lột sẵn và bỏ hạt. Vùng trồng tập trung ở Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Phước.
Tiêu chuẩn đối với mít sấy là các sản phẩm hữu cơ vì mít dùng để sấy chỉ cần múi dễ lột, tròn đều là được, không cần trái phải đẹp mắt.
Mỗi năm chúng tôi tiêu thụ khoảng 2 triệu tấn mít. Phần sơ cho bò ăn hoặc làm phân. Hạt mít được bán để làm bột.
Ông Viên và các nhân viên của Vinamit. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
- Hiện nay, thị trường trong nước có nhiều sản phẩm trái cây sấy tương tự của Vinamit?
- Về thị trường mít sấy trong nước, Vinamit chiếm khoảng 70-80%.
Hiện giờ, có nhiều doanh nghiệp làm mít sấy, trái cây sấy, trong đó có nhiều người là học trò của tôi mở riêng sau khi làm hàng chục năm ở Vinamit.
- Theo ông, thị trường trong thời gian tới sẽ ra sao?
- Bên cạnh rau của quả sấy, các sản phẩm lên men sẽ lên ngôi. Đồ lên men sẽ là xu hướng của tương lai vì tốt cho sức khỏe.
- Xin cảm ơn ông.
Đánh giá
Email: hello@fnbdirector.com
Copyright @2014 FNB DIRECTOR - HoReCa Business School