fnb_director_logo_2024_ap_dung_nen_sang_mau_1500
horeca_business_school

Chiến lược thương hiệu của các thương hiệu nổi tiếng

“Chiến lược thương hiệu là nhóm kế hoạch, giải pháp, hướng dẫn với mục tiêu khẳng định vị thế độc tôn của thương hiệu trong tâm trí khách hàng, mà vẫn không vượt quá khả năng, nguồn lực sẵn có của doanh nghiệp.

Chiến lược thương hiệu được tạo ra để hoàn thành các mục tiêu cụ thể của doanh nghiệp. Đó có thể là các mục tiêu kinh doanh (doanh số, lợi nhuận, tăng trưởng,…) hay những mục tiêu về truyền thông (hình ảnh, mức độ nhận biết,…). Tuy nhiên, chiến lược không phải là một sự đảm bảo hoàn toàn, nó chỉ là một bước đệm trên hành trình tìm đến thành công sau cùng của công ty.”

Đây là định nghĩa của Vũ về chiến lược thương hiệu trong một bài viết trước. Các bạn có thể xem thêm để hiểu rõ hơn về khái niệm này tại đây:

Nhằm giúp các bạn hiểu rõ hơn về cách chiến lược được áp dụng, Vũ sẽ chia sẻ ví dụ chiến lược của những tập đoàn nổi tiếng. Bài viết này sử dụng tư liệu từ trang ebaqdesign. Tác giả đã phân tích và giải thích về 7 ví dụ chiến lược thương hiệu tiêu biểu trên thế giới.

Ví dụ chiến lược thương hiệu: Mục đích thương hiệu của Tesla

Một thương hiệu tốt không bắt đầu bằng câu hỏi “cái gì” (WHAT), mà là “tại sao” (WHY). Tại sao tôi lại khởi nghiệp công ty này. Tại sao tôi chọn sản phẩm A để kinh doanh. Tại sao tôi chọn nhóm người dùng B để nhắm đến… Biết cách đặt và trả lời câu hỏi “Tại sao” là nghệ thuật của những nhà lãnh đạo tài ba.

Diễn giả Simon Sinek đã tóm gọn ý tưởng này trong bài phát biểu nổi tiếng của ông:

Mọi người không mua những gì chúng ta bán, họ mua lý do tại sao chúng ta làm điều đó.

Sản phẩm hay dịch vụ tốt là nền tảng để phát triển của một thương hiệu. Đó là điều chắc chắn. Dior phải tập trung tạo ra những trang phục bền và đẹp, trước khi muốn giành vị thế hàng đầu trong ngành thời trang. Nike cũng không thể nào thành công đến thế nếu chỉ chăm chăm làm quảng cáo và sản xuất ra những đôi giày kém chất lượng.

Tuy nhiên, sản phẩm tốt là chưa đủ khi nhà lãnh đạo hướng đến những giá trị lớn lao hơn. Đến lúc này, họ sẽ phải tận dụng và chia sẻ những câu chuyện của mình đến công chúng. Bắt đầu bằng việc giải thích mục đích thương hiệu hiện diện trên thị trường (brand purpose).

Một mục đích đủ hay là vũ khí thượng thặng của các ví dụ chiến lược thương hiệu nổi tiếng. Đó là khi nhà lãnh đạo muốn xây dựng văn hóa doanh nghiệp, hình ảnh, hoặc đơn thuần chỉ là muốn kiếm được nhiều lợi nhuận hơn.

Làm cách nào ư? Rất đơn giản. Mục đích sẽ thể hiện niềm tin của thương hiệu đó. Khi nhiều người cùng chia sẻ niềm tin với nhau, họ sẽ cảm thấy gắn kết hơn với thương hiệu. Từ sự gắn kết đó, họ sẽ sử dụng sản phẩm của công ty (ở giai đoạn này vai trò của sản phẩm mới được phát huy). Nếu sản phẩm chất lượng, họ sẽ càng hài lòng về thương hiệu, sẽ đánh giá tốt trên các diễn đàn, sẽ giới thiệu sản phẩm đến những người khác.

Những người được giới thiệu nếu cũng tin vào những giá trị ấy lại bắt đầu một chuỗi hiệu ứng domino khác. Cứ thế và cứ thế. Tất cả quá trình này bắt đầu bằng câu hỏi “Tại sao”.

Tesla là ví dụ chiến lược thương hiệu tuyệt vời khi nói về một tập đoàn có mục đích rõ ràng và biết cách xây dựng dựa trên mục đích ấy.

Ví dụ chiến lược thương hiệu

Ví dụ chiến lược thương hiệu: Mục đích của Tesla là để thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch của thế giới (ảnh: Craig Photo)

Tesla được thành lập vào năm 2003 bởi một nhóm kỹ sư. Những chàng trai nhiệt huyết này muốn chứng minh rằng ý tưởng mọi người cùng sử dụng xe điện là hoàn toàn khả thi.

Tesla tin tưởng vào một bức tranh nơi mà năng lượng sạch sẽ là chìa khóa mở ra tương lai. Tesla tuyên bố mục đích thương hiệu của mình như sau:

Để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng bền vững của thế giới.

Đây không chỉ là lời giới thiệu về lĩnh vực hoạt động của công ty. Nó thể hiện niềm tin rằng thế giới chúng ta đang sống sẽ tốt đẹp hơn nếu quá trình thay thế hoàn toàn nhiên liệu hóa thạch diễn ra nhanh hơn.

Tesla đã trả lời câu hỏi về việc tại sao họ lại làm những thứ họ đang làm. Bằng cách mang đến cho thương hiệu một mục tiêu đầy ý nghĩa và nhân văn, Tesla đã xây dựng hình ảnh tích cực trong nhận thức của mọi người.

Mặt khác, ví dụ chiến lược thương hiệu của Tesla cho ta thấy rằng mục đích thương hiệu sẽ duy trì ý nghĩa theo thời gian.

Tính tới thời điểm hiện tại, Tesla không chỉ chế tạo xe hơi. Họ đã và đang tham gia vào rất nhiều lĩnh vực khác như xây dựng các giải pháp dự trữ và sản xuất năng lượng sạch. Chúng ta chưa biết được tương lai Tesla và Elon Musk sẽ làm thêm những gì. Nhưng tuyên bố mục đích của họ vẫn mang ý nghĩa như thế, nó vẫn khẳng định rằng Tesla muốn thay đổi thế giới theo hướng bền vững hơn.

Ví dụ chiến lược thương hiệu của Tesla nhằm khẳng định: mục đích thương hiệu sẽ giúp truyền cảm hứng, động lực bên trong nội bộ; đồng thời giúp khách hàng thêm gắn kết với công ty. Hãy chia sẻ mục đích đó với khách hàng và nếu đủ thuyết phục, họ sẽ tự động gắn bó với thương hiệu của bạn.

Tiếp theo, chúng ta hãy đến với ví dụ chiến lược thương hiệu của Starbucks để hiểu về thuật ngữ “tầm nhìn thương hiệu”.

Ví dụ chiến lược thương hiệu: Tầm nhìn của Starbucks

Chúng ta hẳn đã từng được hỏi bản thân sẽ ra sao trong 5 năm, 10 năm tới. Đây không chỉ là một câu hỏi mang tính triết học thuần túy mà các nhà tuyển dụng thường dùng để làm khó ứng viên. Đó còn là câu hỏi mà các nhà lãnh đạo tự đặt ra cho mình khi bắt đầu xây dựng chiến lược.

Các ví dụ chiến lược thương hiệu nổi tiếng giúp chúng hiểu được mọi công ty khi tham gia thương trường đều phải mang lại những mục đích và lợi ích cụ thể cho khách hàng. Nhưng làm sao để khách hàng hiểu được những mong muốn trên? Làm sao để cụ thể hóa những mục tiêu mà ban lãnh đạo đặt ra? Tất cả nằm ở tầm nhìn của thương hiệu. Nếu mục đích là “WHY” thì tầm nhìn sẽ là “WHAT” – cái gì.

Tầm nhìn thương hiệu (brand vision) là mục tiêu cuối cùng mà doanh nghiệp muốn hướng tới trong một khoảng thời gian nhất định. Tầm nhìn giống như bước đầu tiên để doanh nghiệp xuất hiện và khẳng định vị thế trên thị trường.

Tầm nhìn thương hiệu thường được tổng kết trong một tuyên bố ngắn gọn, bao hàm những mục tiêu trong tương lai dài hạn. Một thương hiệu có tầm nhìn rõ ràng từ ban đầu không chỉ truyền cảm hứng và động lực cho nhân viên, mà còn giúp các nhà lãnh đạo tự tin hơn trong các quyết định của mình.

Ví dụ chiến lược thương hiệu của Starbucks đã khẳng định tầm nhìn của họ:

Trở thành nhà cung cấp cà phê hảo hạng hàng đầu thế giới.

Tầm nhìn rõ ràng là một trong những lý do giúp chuỗi cửa hàng cà phê này đạt được thành công to lớn trên toàn cầu. Nó giúp nhân viên và các bộ phận trong công ty cùng nhìn về một hướng, thúc đẩy sự phát triển của tập đoàn. Đồng thời, tầm nhìn này cũng là nền tảng cho mọi hoạt động truyền thông của Starbucks.

Ví dụ chiến lược thương hiệu

Ví dụ chiến lược thương hiệu: Starbuck muốn trở thành nhà cung cấp cà phê hảo hạng hàng đầu thế giới (ảnh: Henry & Co.)

Chúng ta có thể hiểu được tầm ảnh hưởng to lớn của tầm nhìn đến thương hiệu. Vì thế, khi hoạch định tầm nhìn, các nhà lãnh đạo cần nghiên cứu thật kỹ mô hình, định hướng phát triển của doanh nghiệp trong tương lai dài hạn.

Sau khi đã tìm hiểu về mục đích và tầm nhìn thương hiệu, ví dụ chiến lược thương hiệu tiếp theo về Apple sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về thuật ngữ “giá trị cốt lõi”.

Ví dụ chiến lược thương hiệu: Hệ giá trị của Apple

Cũng giống như chúng ta, thế giới thương mại là tập hợp bao gồm những cá thể khác biệt. ví dụ chiến lược thương hiệu của Nike không thể nào giống adidas. Samsung dù cố gắng cũng không bao giờ sao chép được những trải nghiệm mà Apple mang lại. Mỗi ví dụ chiến lược thương hiệu đều có những đặc điểm riêng của nó. Đó là cách chúng ta hiểu về Hệ giá trị (core values).

Hệ giá trị của thương hiệu là tập hợp các đặc điểm và nguyên tắc. Chúng giúp định hướng cho hoạt động của doanh nghiệp để cùng hướng đến một mục tiêu cụ thể. Những giá trị này có ảnh hưởng đến mối quan hệ của thương hiệu với khách hàng, sự phát triển nội bộ và chiến lược lâu dài của doanh nghiệp.

Hệ giá trị giúp thương hiệu tạo ra văn hóa riêng cho mình và củng cố những gì thương hiệu đó đại diện. Từ đó, các giá trị này sẽ mang lại cho thương hiệu trải nghiệm nhất quán bên ngoài – tức trải nghiệm của khách hàng, nhà đầu tư, công chúng…

Ví dụ chiến lược thương hiệu của Apple – chúng ta hẳn đều biết về thương hiệu táo khuyết vĩ đại. Không chỉ mang đến cho nhân loại iPhone hay iMac, Apple còn xây dựng được một sự kết nối sâu sắc với khách hàng.

Ví dụ chiến lược thương hiệu

Ví dụ chiến lược thương hiệu: Apple sở hữu thương hiệu nổi tiếng với những giá trị của mình (ảnh: Pixabay)

Hệ giá trị trong ví dụ chiến lược thương hiệu của Apple bao gồm:

  • Khả năng tiếp cận (Accessibility): Đảm bảo không bỏ lại những người hạn chế về mặt thể chất.
  • Giáo dục (Education): Cung cấp các giải pháp giáo dục cho các trường học trên khắp Hoa Kỳ.
  • Môi trường (Environment): Xây dựng các sản phẩm an toàn cho cả người dùng và môi trường.
  • Hòa nhập và đa dạng (Inclusion & Diversity): Để tạo ra các sản phẩm phục vụ mọi người, chúng tôi tin tưởng vào việc bao gồm tất cả mọi người.
  • Trách nhiệm của nhà cung cấp (Supplier Responsibility): Yêu cầu các nhà cung cấp và đối tác chịu trách nhiệm tạo ra các sản phẩm chất lượng cho người dùng của chúng tôi.
  • Quyền riêng tư (Privacy): Cung cấp bảo mật tối đa cho người dùng. Quyền riêng tư là một quyền cơ bản của con người.

Steve Jobs – đồng sáng lập Apple – trong bài phát biểu khởi động chiến dịch “Think Different” đã nói:

Với tôi, marketing là bàn về các giá trị. Thế giới ngày nay là một nơi rất phức tạp và ồn ào. Và chúng ta sẽ rất khó có cơ hội để khiến khách hàng nhớ về mình.

Hệ giá trị không chỉ giúp phát triển văn hóa nội bộ, mà còn giúp thương hiệu đạt được tính cạnh tranh trong một thế giới phức tạp như chúng ta đang thấy. Làm sao Apple sở hữu được lượng người dùng trung thành nhiều như thế nếu không có những giá trị của riêng họ, những thứ làm nên bản sắc của một tập đoàn hàng đầu.

Mặt khác, bộ giá trị này phải được xây dựng từ những nhà lãnh đạo. Nếu các giám đốc còn không rõ thương hiệu của mình đại diện cho điều gì, làm thế nào họ có thể mong đợi nhân viên hay khách hàng hiểu được những giá trị đó? Người lãnh đạo, cần phải là hình ảnh đại diện và là người truyền bá thương hiệu, giống như cách Steve Jobs ngày xưa hay Tim Cook hiện tại đang làm với Apple.

Tóm lại, quá ví dụ chiến lược thương hiệu của Apple, chúng ta hiểu rằng: cùng với mục đích và tầm nhìn, hệ giá trị sẽ giúp xây dựng thương hiệu từ bên trong lẫn bên ngoài.

Ví dụ chiến lược thương hiệu thứ tư sẽ bàn về một khái niệm rất phổ biến nhưng không phải ai cũng hiểu: định vị.

Ví dụ chiến lược thương hiệu: Định vị của Amazon

Chiến lược, mục đích, tầm nhìn, giá trị cốt lõi. Bấy nhiêu đó thôi có lẽ đã là quá nhiều thông tin để khách hàng phải ghi nhớ. Người dùng ngày nay thức dậy với một tá email cần giải quyết và đi ngủ sau khi lướt qua hàng chục video Tiktok. Họ không thể nhớ quá nhiều thứ một lúc.

Vậy làm sao để thương hiệu tìm được cơ hội để khách hàng nhớ đến khi họ đứng trước một kệ hàng siêu thị? Và họ phải nhớ gì về thương hiệu đó?

Câu trả lời nằm ở định vị. Trong các ví dụ chiến lược thương hiệu trên, mỗi thương hiệu đều đại diện cho một câu chuyện cụ thể, và đó chính là định vị.

Định vị là vị trí mà cá nhân hoặc tổ chức sở hữu trong nhận thức của khách hàng. Định vị giúp mọi người dễ dàng phân biệt thương hiệu với những đối thủ cạnh tranh khác. Định vị được thực thi bằng các chiến lược marketing nhằm giúp thương hiệu tạo nên sự khác biệt.

Từ khóa ở đây chính là “khác biệt”. Nếu thương hiệu không khác biệt, họ sẽ “chìm nghỉm” giữa hàng trăm, hàng ngàn “con cá” khác. Định vị thành công là khi thương hiệu sở hữu được những đặc tính mà chỉ họ mới có, và khiến khách hàng nhớ đến khi nghĩ về những đặc tính ấy. Đó có thể là chiến lược tập trung vào giá rẻ, dịch vụ chăm sóc khách hàng, hay sự sang trọ

Tác giả Al Ries đã từng phát biểu:

Định vị không phải là những gì bạn làm với một sản phẩm; đó là những gì bạn làm với tâm trí của khách hàng.

Ví dụ chiến lược thương hiệu của Amazon là một minh họa tiêu biểu cho khái niệm này. Khi nghĩ về Amazon, điều gì sẽ xuất hiện đầu tiên trong đầu bạn? Có lẽ đó sẽ là tốc độ giao hàng nhanh chóng và chất lượng dịch vụ tuyệt vời.

Đó là những thứ Amazon muốn bạn nghĩ về họ. Tuyên bố định vị trong ví dụ chiến lược thương hiệu của Amazon như sau:

“Đối với những khách hàng muốn mua sắm trực tuyến và yêu cầu tốc độ giao hàng nhanh chóng, Amazon cung cấp trang web thương mại một điểm đến (one–stop shopping site). Amazon khác biệt với các nhà bán lẻ trực tuyến khác nhờ sự quan tâm đến khách hàng, niềm đam mê sáng tạo và sự cam kết về chất lượng vận hành.”

Khi thị trường kinh doanh trên mạng vừa chớm nở, Amazon đã rất nhanh chóng định vị mình theo hai yếu tố chất lượng và tốc độ. Mặc cho các đối thủ khi đó đang bận bịu tìm kiếm giải pháp về nguồn hàng hay hạ tầng kỹ thuật, Amazon đã đi trước từ rất lâu.

Ví dụ chiến lược thương hiệu

Ví dụ chiến lược thương hiệu: Amazon đã đi trước đối thủ rất nhiều với chiến lược thương hiệu của mình (ảnh: Soneji)

Là một doanh nghiệp, chúng ta có thể làm nhiều việc khác nhau. Nhưng là một thương hiệu, chúng ta chỉ muốn được biết đến với MỘT điều duy nhất – không phải một sản phẩm hay dịch vụ, mà là một ý tưởng, một câu chuyện khác biệt.

Có thể lần tới khi khách hàng còn phân vân giữa nhiều ứng dụng, tiềm thức của họ sẽ gợi lại những trải nghiệm tốt và tốc độ giao hàng nhanh chóng của Amazon, điều đó khiến họ bỏ qua những cái tên khác và chọn Amazon để mua sắm.

Ngoài Amazon, chúng ta còn rất nhiều ví dụ chiến lược thương hiệu khác để minh họa cho khái niệm định vị.

Hãy liên tưởng đến công tắc, định vị thương hiệu cũng tương tự như vậy. Nhắc đến một từ khoá, khách hàng ngay lập tức “bật công tắc” gợi nhớ, liên kết đến thương hiệu, có nghĩa là chiến lược đã thành công.

Qua ví dụ chiến lược thương hiệu tiếp theo, khái niệm “tính cách” sẽ được Vũ giải thích thông qua một trong những thương hiệu lâu đời nhất trên thế giới.

Ví dụ chiến lược thương hiệu: Tính cách của Harley Davidson

Chúng ta kết nối về mặt tinh thần với những thứ có cảm xúc. Mọi người chia sẻ với nhau vì có cùng những giá trị, quan điểm giống nhau. Ngược lại, chúng ta thường dùng từ “không hợp” khi nói về những mối quan hệ không có sự đồng điệu cảm xúc.

Trong các ví dụ chiến lược thương hiệu cũng thế, người dùng sẽ “không hợp” với những thương hiệu mà họ cảm thấy có tính cách không giống mình.

Tính cách thương hiệu là các tính từ cụ thể mà khách hàng gắn cho thương hiệu sau một thời gian đồng hành. Mục tiêu của tính cách là mang lại khía cạnh con người trong quá trình xây dựng thương hiệu. Nó giúp thương hiệu từ một khái niệm trừu tượng trở thành một thực thể hữu hình, có cảm xúc.

Xây dựng tính cách thương hiệu là sự tác động hai chiều: từ khách hàng đến thương hiệu và ngược lại. Bằng cách đó, khách hàng mục tiêu có thể xây dựng mối quan hệ và kết nối lâu dài với doanh nghiệp như thể đó là một con người. Bởi vì những tính cách nhất định có xu hướng thu hút lẫn nhau và những tính cách khác biệt sẽ dần cách xa nhau.

Một ví dụ chiến lược thương hiệu nổi tiếng nhất về xây dựng tính cách là Harley Davidson. Harley Davidson là hãng xe moto huyền thoại của Mỹ với hơn 120 năm lịch sử. Những khách hàng của hãng xe này đã thành lập một cộng đồng dành riêng cho những người hâm mộ Harley Davidson.

Ví dụ chiến lược thương hiệu

Ví dụ chiến lược thương hiệu: Harley Davidson là thương hiệu đại diện cho sự mạnh mẽ, tự do và nổi loạn (ảnh: Pexels)

Sự cá tính này được thể hiện qua tất cả điểm chạm của Harley Davidson với khách hàng. Từ sản phẩm, các chiến dịch truyền thông, và ngược lại, trong cách người dùng nói về thương hiệu.

Chính nhờ tính cách rõ ràng này, Harley Davidson đã tạo dựng được một cộng đồng của chính họ, giống như cách fan táo tôn thờ Apple hay những người yêu thể thao gắn bó với Nike. Không cần nói chúng ta cũng hình dung được những người thuộc nhóm Harley Davidson sẽ sở hữu tính cách như thế nào. Đó hẳn phải là một chàng trai phong trần, ưa khám phá và đam mê tốc độ.

Một số người cho rằng nếu thương hiệu của họ lựa chọn một tính cách quá đặc thù sẽ thu hẹp đối tượng khách hàng. Họ muốn nhắm đến càng nhiều người càng tốt. Nhưng đây là một sai lầm phổ biến khi xây dựng chiến lược thương hiệu.

Chúng ta không thể làm hài lòng tất cả mọi người xung quanh và một thương hiệu cũng không thể chiều theo ý của tất cả khách hàng. Chúng ta phải thật rõ ràng với nhóm khách hàng mục tiêu mà mình hướng đến, xác định họ là ai, họ có những tính cách gì, họ có sẵn lòng kết nối với thương hiệu hay không. Chỉ khi đó chúng ta mới có thể phát triển được thương hiệu lâu dài.

Tóm lại, có một tính cách được xác định rõ ràng sẽ giúp tạo mối liên hệ giữa thương hiệu với khách hàng như thể họ đang tương tác với một con người thực sự, giống như cách ví dụ chiến lược thương hiệu của Harley Davidson đã thể hiện.

Nhưng khi đã định hình được tính cách, làm sao để chúng ta giúp khách hàng hiểu về tính cách thương hiệu của mình? Hãy chuyển sang ví dụ chiến lược thương hiệu tiếp theo.

Ví dụ chiến lược thương hiệu: Giọng nói thương hiệu của Tiffany

Giọng nói là cách thương hiệu truyền tải nội dung ra thế giới bên ngoài bằng các phương tiện giao tiếp, truyền thông. Giọng nói thương hiệu giúp khẳng định tích cách và làm nổi bật hình ảnh thương hiệu trên thị trường.

Giọng nói thương hiệu về cơ bản là một phần mở rộng của tính cách trong chiến lược thương hiệu. Harley Davidson sẽ khó thể hiện được sự cá tính của mình nếu truyền thông khi Honda. Disney làm sao để thể hiện sự hài hước, gần gũi với trẻ em nếu họ chọn giọng điệu của HBO.

Một ví dụ chiến lược thương hiệu nổi bật là Tiffany. Tiffany là hãng trang sức cao cấp có trụ sở tại New York, Mỹ. Đây là một trong những ví dụ chiến lược thương hiệu xác định rõ ràng tính cách và giọng nói của họ trong các hoạt động truyền thông.

Giọng điệu của Tiffany rất sắc sảo, thanh lịch và cổ điển, hoàn toàn phù hợp với nhóm đối tượng mục tiêu là những quý cô sang trọng.

Ví dụ chiến lược thương hiệu

Ví dụ chiến lược thương hiệu: Phong cách sắc sảo, thanh lịch và cổ điển của Tiffany phù hợp với nhóm đối tượng mục tiêu (ảnh: Miriam Salgado)

Hong, trưởng nhóm sáng tạo của Tiffany cho biết:

Từ lâu, Tiffany đã mang một giọng nói thương hiệu sắc sảo và ngày nay Twitter cho phép chúng tôi mang trở lại phong cách ấy.

Khách hàng sẽ có khả năng sẵn sàng chi nhiều hơn cho một sản phẩm Tiffany so với một số thương hiệu đối thủ. Họ không chỉ đang trả tiền cho logo, thiết kế hay chiếc hộp màu xanh của Tiffany. Thứ họ đang mua còn là cảm giác sang trọng và thanh lịch mà Tiffany mang lại cho họ. Đó là lý do tại sao trong mọi hoạt động truyền thông, giọng nói thương hiệu của Tiffany đều rất thanh lịch và cổ điển.

Thương hiệu trở thành biểu tượng từ sự nhất quán và cách họ truyền tải những giá trị ấy đến với khách hàng – thông qua giọng nói thương hiệu.

Tính cách và giọng nói thương hiệu sẽ kết hợp với nhau để thể hiện cách thông điệp được truyền tải. Giọng điệu của thương hiệu phải được sử dụng nhất quán trên các kênh truyền thông. Từ đó, nó sẽ giúp thương hiệu và khách hàng xây dựng kết nối mạnh mẽ giống như con người, giống như ví dụ chiến lược thương hiệu của Tiffany.

Khi đã sở hữu tính cách, giọng nói, và những yếu tố cần thiết khác, làm sao thương hiệu gói gọn nó trong một cụm từ dễ nhớ? Hãy cùng tiến đến ví dụ chiến lược thương hiệu tiếp theo.

Ví dụ chiến lược thương hiệu: Tagline của Nike

Khẩu hiệu hay tagline thường là một cụm từ ngắn nhằm thể hiện bản sắc, tính cách và định vị của thương hiệu. Mục tiêu của tagline là truyền tải tinh thần của thương hiệu theo cách trực diện và dễ nắm bắt nhất có thể.

Tagline sẽ được lấy cảm hứng từ định vị của thương hiệu. Một tagline hiệu quả sẽ có tính bền vững và có tác động đến phong cách sống của nhóm khách hàng mục tiêu.

Cần phân biệt giữa slogan và tagline của thương hiệu. Dù cả hai đều là một cụm từ ngắn gọn và đánh vào sự chú ý của khách hàng, đồng thời lặp đi lặp lại nhiều lần trên các thiết kế thương hiệu, nhưng chúng có những điểm khác biệt đáng lưu ý.

Đầu tiên, slogan thường có tuổi thọ ngắn hơn tagline và thường xuất hiện trong các chiến dịch quảng cáo để thể hiện định hướng ngắn hạn của thương hiệu. Còn slogan tồn tại để khẳng định những giá trị thương hiệu theo đuổi và cam kết.

Ngoài ra, thương hiệu chỉ có một tagline nhưng có thể có nhiều slogan tương ứng với nhiều chiến dịch truyền thông khác nhau.

Một ví dụ chiến lược thương hiệu nổi tiếng là Nike, thương hiệu thể thao lớn nhất thế giới. Định vị của Nike được thể hiện một cách hoàn hảo với công chúng bằng khẩu hiệu nổi tiếng “Just Do It”.

Khẩu hiệu “Just do it” được tạo ra cách đây 30 năm bởi công ty quảng cáo nổi tiếng Wieden + Kennedy. Câu tagline đã trở thành một thông điệp truyền cảm hứng một cách sâu sắc và gắn kết khách hàng với thương hiệu Nike.

Ví dụ chiến lược thương hiệu

Ví dụ chiến lược thương hiệu: Lịch sử Nike gắn liền với khẩu hiệu “Just Do It” (ảnh: Piccinng)

“Just do it” thể hiện tinh thần cốt lõi của Nike. Nó khuyến khích mọi người hãy vứt bỏ mọi nỗi sợ hãi và thực hiện điều mình muốn. Nó mang lại cho mọi người cảm giác mình được là một vận động viên thực thụ.

Bạn chần chừ khi phải chạy bộ mỗi ngày? – Just Do It.
Bạn sợ hãi ánh mắt phán xét của mọi người nếu chẳng may thất bại? – Just Do It.
Bạn không dám đi ngược lại với quan điểm của đám đông vì ngại bị chê cười? – Just Do It.

Không chỉ gói gọn trong tinh thần của một thương hiệu thể thao, câu tagline của Nike mang ý nghĩa của một phong cách, một triết lý sống “dám nghĩ, dám làm”. Hãy làm đi và làm với sự đam mê mãnh liệt nhất. Đó là cách Nike truyền tải niềm tin của họ và đã được đón nhận bởi hàng triệu người trên khắp hành tinh.

“Just Do It” cũng được xếp vào nhóm những tagline nổi tiếng nhất lịch sử. Tagline này vẫn là một trong những thành phần thiết yếu của ví dụ chiến lược thương hiệu Nike.

Thông qua ví dụ chiến lược thương hiệu Nike, nhà lãnh đạo cần xác định những gì chúng ta muốn khách hàng nhớ về mình. Mục đích, tầm nhìn, sứ mệnh, giá trị cốt lõi,… Điều cần làm tiếp theo là tổng kết những thông tin đó bằng một tagline dễ nhớ. Đó chính là chìa khóa để giúp họ nhớ đến thương hiệu trong thời đại thông tin ngày nay.

Lời kết

Một ví dụ chiến lược thương hiệu thành công không phải chỉ bao gồm một trong những yếu tố đó. Bởi vì, qua ví dụ chiến lược thương hiệu của 7 tập đoàn trên, chúng ta đều thấy được những sự đầu tư nghiêm túc và thấu hiểu khách hàng kỹ lưỡng. Ví dụ chiến lược thương hiệu hoàn chỉnh phải là sự kết hợp của rất nhiều thứ, từ sản phẩm cho đến dịch vụ chăm sóc khách hàng, từ đội ngũ kinh doanh cho đến các chiến dịch marketing, và hơn thế nữa.

Rất nhiều người nghĩ các ví dụ chiến lược thương hiệu trên thành công là do có nhiều tiền. Họ nghĩ thương hiệu đơn giản chỉ là một logo hay một bao bì được thiết kế đẹp mắt. Họ tranh luận rằng quán ăn A đầu ngõ chẳng đầu tư gì cũng là một ví dụ chiến lược thương hiệu đấy thôi. Quan điểm này không hẳn hoàn toàn sai. Nhưng nó chỉ hợp lý khi áp dụng ở một quy mô rất nhỏ.

Điều này chỉ đúng ở khu vực B. Nếu bạn sang khu phố C và hỏi có ai biết về quán ăn A không, câu trả lời hẳn sẽ là không, vì ở đây họ có quán D, quán E, quán F, quán A’, quán A’’’…. và hàng chục giải pháp khác.

Cạnh tranh trên thương trường cũng vậy. Nếu thương hiệu là “vua một cõi” thì không nói làm gì. Nhưng làm thế nào có chuyện đó được. Nếu bạn kinh doanh phát đạt, bạn cũng không dám khẳng định một năm sau thị trường vẫn giữ nguyên như hiện tại và chắc chắn, không có công ty nào chịu đứng ngoài một “miếng bánh” hấp dẫn cả. Ngay cả những thị trường cực ngách cũng diễn ra sự cạnh tranh giữa các thương hiệu với nhau.

*Nguồn: Vũ Digital

Đánh giá

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
setup_menu_mon_ansetp_menu_do_uong
CONTACT US

FNB DIRECTOR

83 Nguyen Van Troi Apartment, Phu Nhuan Dist.

Hotline: +84 903 132 508

Email: hello@fnbdirector.com

 
FOLLOW US ON FACEBOOK

Copyright @2014 FNB DIRECTOR - HoReCa Business School