Bài viết này tổng hợp lại 16 loại chiến dịch marketing phổ biến cũng như cách các nhãn hàng lớn đã áp dụng để đạt được thành công.
1. Tăng nhận diện thương hiệu (Brand awareness campaign)
Đúng như tên gọi, một chiến dịch nâng cao nhận thức về thương hiệu chỉ có một mục đích đó là: quảng cáo về bạn là ai và bạn làm gì.
Tuy nhiên, mục tiêu của loại chiến dịch này không chỉ đơn thuần là tăng nhận diện thương hiệu hoặc logo thương hiệu. Thay vào đó, nó nên truyền đạt, thông báo với khách hàng những gì doanh nghiệp của bạn làm và điều gì khiến thương hiệu bạn khác biệt với đối thủ cạnh tranh. Nếu chiến dịch của bạn tiếp cận thành công khách hàng thì lần tiếp theo khi những người đó tiếp xúc với thương hiệu của bạn, họ sẽ không chỉ biết bạn bán gì mà còn biết bạn nói về điều gì.
Thực tế chứng minh nhiều chiến dịch marketing nâng cao nhận thức về thương hiệu thành công nhất cũng đã truyền đạt các giá trị của công ty. Một ví dụ khá thú vị điển hình gần đây nhất là chiến dịch từ Anheuser-Busch - “vua bia” tại thị trường Mỹ.
Trong thời gian đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ nhất, nhà máy bia lớn nhất nước Mỹ này đã chuyển đổi cơ sở sản xuất của họ để sản xuất các sản phẩm nước rửa tay. Việc Anheuser-Busch có những thay đổi thức thì cho một kế hoạch ngắn hạn trong sản xuất như vậy rõ ràng đã “thổi” danh tiếng thương hiệu đến gần hơn với bộ phận lớn người tiêu dùng.
Thật vậy, sau khi nhà máy bia của hãng bắt đầu sản xuất nước rửa tay, các trang kênh tin tức và báo chí trên khắp Hoa Kỳ ngay lập tức đã đăng tải và chia sẻ câu chuyện của họ. Tận dụng lợi thế truyền thông đó, Anheuser-Busch đã nhấn mạnh vai trò thương hiệu rằng họ luôn ở đây và sẵn sàng chung tay giúp đỡ cộng đồng.
Tóm lại có thể thấy, đây là một chiến lược marketing tuyệt vời khi nó đã thể hiện các giá trị của Anheuser-Busch một cách rõ ràng cũng như tiếp cận hàng triệu người tiêu dùng Mỹ. Lần tới khi một khách hàng nhìn thấy bia Anheuser-Busch trên kệ trong một cửa hàng, có khả năng họ sẽ nhớ đến cách công ty đáp ứng nhu cầu thị trường trong thời kỳ đại dịch.
2. Tái cấu trúc thương hiệu (Rebranding campaign)
Các công ty thành công nhất luôn tìm cách hồi sinh sản phẩm của họ và duy trì sự phù hợp với nhu cầu thị trường để không bị đào thải. Và đó cũng là mục đích của các chiến dịch đổi mới hay tái cấu trúc thương hiệu.
Cụ thể, tái cấu trúc thường hiệu thường được các doanh nghiệp áp dụng mà giá trị thương hiệu có dấu hiệu chững lại hoặc họ muốn đổi mới chiến lược kinh doanh. Khi đó, thương hiệu sẽ khởi chạy lại các sản phẩm được nhiều khách hàng yêu thích hoặc giới thiệu bộ giá trị mới của công ty tới khách hàng. Dù bằng cách nào, việc khởi chạy một chiến dịch đổi thương hiệu được coi là một trong những chiến lược marketing khó khăn nhất với bất kỳ doanh nghiệp nào. Bởi nó không chỉ đơn thuần là thay đổi phông chữ, logo hay bộ nhận diện thương hiệu,... Thay vào đó, các công ty cần nỗ lực hết mình để hiện đại hóa một sản phẩm/dịch vụ hoặc chứng mình cho khách hàng thấy rằng bạn đang dần hướng tới những giá trị đặc biệt hơn để phục vụ nhu cầu của họ.
Nếu vẫn còn mơ hồ, Ori xin mời bạn tham khảo chiến dịch “thay áo thương hiệu” của MB Bank nhằm gia nhập đường đua chuyển đổi số đang nóng hơn bao giờ hết. Chắc hẳn, nhiều bạn đã biết, MB Bank là ngân hàng quân đội trực thuộc Bộ quốc phòng. Do đó, hình ảnh một ngân hàng có phần nghiêm túc, cứng nhắc đã ghim sâu trong tâm trí người tiêu dùng. Điều này, vô tình trở thành rào cản khiến doanh nghiệp quân đội này khó khăn trong việc tiếp cận đến đối tượng khách hàng trẻ tuổi.
Tuy nhiên với mục tiêu trở thành ngân hàng số toàn diện để theo kịp thị trường cũng như lấy khách hàng làm trung tâm, MB Bank đã đưa ra một quyết định táo bạo đó là tái cấu trúc thương hiệu. Cụ thể, tháng 11/2019, MB Bank đã chính thức ra mắt bộ nhận diện thương hiệu mới. Cụ thể, logo cũ được thay đổi hoàn toàn từ font chữ, màu sắc cho đến biểu tượng ngôi sao đã trở thành thương hiệu. Không những vậy, với mong muốn thể hiện sự nhiệt huyết cũng như quyết tâm chuyển đổi số toàn diện để đem đến những trải nghiệm tuyệt vời nhất cho khách hàng, năm 2020, MB Bank chính thức công bố phiên bản mới của ứng dụng MB Bank với nhiều tiện ích.
Kết quả là chiến dịch tái nhận diện thương hiệu của MB Bank đã thành công vang dội với những kết quả đáng ngạc nhiên khi lượt người dùng và lượt tải app tăng lên đáng kể.
Mặc dù, ban đầu, chiến dịch tái cấu trúc thương hiệu của MB Bank nhận về không ít những phản ứng trái chiều nhưng không thể phủ nhận rằng đây là một chiến dịch tiếp thị thành công tạo bước đệm cho chiến lược phát triển lâu dài của MB Bank trong thời đại số.
3. Tiếp thị qua công cụ tìm kiếm (Search engine marketing campaign)
Khi khách hàng sử dụng công cụ tìm kiếm, doanh nghiệp hoàn toàn có thể nhắm mục tiêu vào họ thông qua chiến lược tiếp thị qua công cụ tìm kiếm (SEM). Ý tưởng cho loại chiến dịch marketing rất đơn giản. Cụ thể, khi khách hàng tìm kiếm một cụm từ hoặc đặt câu hỏi trên các công cụ tìm kiếm, bạn hoàn toàn có thể tiếp thị trực tiếp cho họ bằng các quảng cáo trả tiền hiển trong các kết quả tìm kiếm.
Thực tế là hầu hết khách truy cập mới tìm thấy các trang web đều thông qua công cụ tìm kiếm. Do đó, việc khởi chạy các chiến dịch tiếp thị với công cụ tìm kiếm là một cách tuyệt vời để thu hút khách hàng tiềm năng truy cập website của bạn.
Khi tìm kiếm trên các công cụ, Ori chắc rằng bạn sẽ tìm thấy rất nhiều doanh nghiệp áp dụng chiến lược này. Chẳng hạn như Upwork - một nền tảng trực tuyến nổi tiếng kết nối các doanh nghiệp với nguồn nhân lực làm việc tự do (freelancers) cũng sử dụng chiến lược này. Cụ thể, họ đã sử dụng quảng cáo trả tiền và nhắm mục tiêu đến các cụm từ tìm kiếm cụ thể liên quan đến từ khóa “freelancers” để nhận được nhiều lượt nhấp chuột. Chẳng hạn, nếu bạn Google "freelancer chất lượng cao", Upwork sẽ xuất hiện ở vị trí hàng đầu trong kết quả tìm kiếm như hình dưới đây.
Có thể thấy tiếp thị qua công cụ tìm kiếm là một chiến lược đơn giản nhưng mạng lại hiệu quả cao. Bằng chứng là rõ ràng, Upwork đã thu hút rất nhiều lưu lượng truy cập vào website của mình. Đồng thời nền tảng này đã quảng bá thành công chất lượng dịch vụ của họ khi có nhà tuyển dụng có thể tìm kiếm được những nhân sự tài năng. Ngược lại, các lao động chất lượng cao cũng có thể tìm kiếm một công việc với mức lương phù hợp. Chiến dịch này là một ví dụ tuyệt vời về việc kết hợp mục đích tìm kiếm với quảng cáo mất phí trên công cụ tìm kiếm để giúp điều hướng lưu lượng truy cập đến một trang web.
4. Tiếp thị mạng xã hội (Social media marketing campaign)
Không cần phải tranh cãi, rõ ràng, social media là một trong những công cụ giúp doanh nghiệp tiếp cận hiệu quả với khách hàng ngày nay. Doanh nghiệp có thể lựa chọn một trong những trang mạng xã hội phổ biến nhất hiện nay như Facebook, TikTok, Instagram, Twitter, LinkedIn,... hoặc kết hợp chúng cho các chiến dịch tiếp thị của mình. Ngoài ra, nếu muốn sử dụng loại chiến dịch tiếp thị này, bạn sẽ phải quyết định nội dung định xuất bản. Bạn muốn xây dựng nội dung một cách tự nhiên, không mất phí hay sử dụng quảng cáo trả phí hoặc kết hợp cả hai.
Các chiến dịch tiếp thị truyền thông xã hội có thể hỗ trợ doanh nghiệp với nhiều mục tiêu khác nhau. Chúng có thể giúp bạn xây dựng nhận diện thương hiệu, nhắm mục tiêu lại những khách đã truy cập và thoát thoát khỏi website của bạn nhanh chóng,...
Đây là chiến dịch tiếp thị đã quá quen thuộc, được nhiều doanh nhiều áp dụng và đã thu về những kết quả thành công rực rỡ. Starbucks là một trong những thương hiệu gây ấn tượng với người tiêu dùng thông qua các câu chuyện thành công trên mạng xã hội. Chiến dịch “Tweet-a-Coffee” năm 2013 là một chiến dịch tiêu biểu của hãng. Tất cả những khách hàng cần làm nếu muốn tham gia chiến dịch là đăng tải dòng trạng thái trên Twitter nhắc tên người nhận quà tặng của bạn tới tài khoản Twitter “Tweet-a-Coffee” của Starbucks. Sau đó, người được nhắc tên sẽ nhận được quà tặng điện tử trị giá 5 đô la có thể quy đổi tại bất kỳ cửa hàng Starbucks nào.
Chiến dịch này đã thành công vì nó đưa ra các giá trị hấp dẫn. Tóm lại, đây là một cách tuyệt vời để tương tác với người tiêu dùng và tạo dựng tình cảm tích cực cho thương hiệu trong lòng khách hàng.
5. Tiếp thị bằng nội dung do khách tạo ra (User-generated content (UGC) marketing campaign)
Các chiến dịch tiếp thị nội dung do người dùng tạo (UGC) có lẽ là chiến dịch không quá xa lạ với các marketer trong những năm trở lại đây. Cụ thể, thay vì tự sản xuất ra các nội dung nhằm quảng cáo cho sản phẩm/dịch vụ thì các nhãn hàng sẽ chủ động mời, khuyến khích khách hàng của họ tự tạo nội dung.
Chiến lược tiếp thị này hoạt động hiệu quả bởi đôi khi người tiêu dùng sẽ tắt hiển thị nội dung của doanh nghiệp bạn nếu họ nghĩ rằng bạn đang cố bán cho họ thứ gì đó. Tuy nhiên, nếu bạn bè, người thân, đồng nghiệp hay những người tiêu tiêu dùng khác chia sẻ về doanh nghiệp, sản phẩm, dịch vụ của bạn thì nhiều khả năng họ sẽ bị cuốn hút vào nội dung đó. Ngoài ra, loại chiến dịch tiếp thị này có thể nâng cao độ tin cậy cho doanh nghiệp vì nội dung chia sẻ đến từ một nguồn có đáng tin cậy chính người tiêu dùng. Để khuyến khích khách hàng chia sẻ nội dung về thương hiệu, bạn có thể tạo ra các thử thách hay các cuộc thi với những phần thưởng hấp dẫn.
Để hiểu rõ hơn, hãy cùng xem xét cách Apple ứng dụng chiến lược này để khẳng định chất lượng sản phẩm của họ. Năm 2018, một số khách hàng phàn nàn về chất lượng ảnh chụp bằng camera của iphone quá thấp do thiếu ánh sáng. Phát hiện vấn đề trên, Apple ngay lập tức đã triển khai chiến dịch #ShotOnIphone. Cụ thể, trong chiến dịch, Apple đã kêu gọi khách hàng của chia sẻ các bức ảnh chụp bằng iPhone lên Instagram với hashtag để chúng xuất hiện trên “feature” của Apple. Kết quả, chiến dịch này thu về hơn 24 triệu bài đăng. Do đó “ông lớn công nghệ” này nhanh chóng phục hồi uy tín cho thương hiệu của mình. Thậm chí, sau đó, hãng còn xây dựng được một cộng đồng tương tác và sản xuất nội dung tích cực. Ví dụ của Apple ở trên cho thấy User-generated content (UGC) là một chiến lược định hướng dư luận vô cùng hiệu quả và ít tốn kém nhất. Tuy nhiên, dù vậy, doanh nghiệp cần phải theo dõi và kiểm soát các nội dung được chia sẻ để tránh những tình huống xấu xảy ra, ví dụ như những bài đăng phỉ báng, chia sẻ thông tin sai sự thật,...
6. Tiếp thị qua Email (Email marketing campaign)
Tiếp thị qua email là một trong những công cụ phổ biến nhất trong “hộp công cụ” của các nhà tiếp thị. Dù là phương pháp đã xuất hiện từ rất lâu nhưng đây vẫn là một trong những cách tốt nhất để doanh nghiệp giao tiếp với khách hàng cũng như tiếp cận các đối tượng khách hàng tiềm năng. Bởi theo báo cáo có tới 90% đối tượng khách hàng trong độ tuổi trưởng thành và hơn 70% thanh thiếu niên sử dụng email rất thường xuyên.
Do đó, việc khởi chạy một chiến dịch tiếp thị qua email mang lại cho công ty của bạn cơ hội tuyệt vời để trò chuyện trực tiếp với khách hàng trong hộp thư đến của họ. Đồng thời, qua đó, bạn cũng có thể khuyến khích họ xem qua sản phẩm mới nhất hoặc cập nhật thông tin về các sự kiện.
Để hình dung rõ ràng hơn về cách triển khai loại chiến dịch này, bạn có thể tham khảo chiến dịch Email Marketing của Adidas. Cụ thể, thương hiệu toàn cầu này sử dụng nội dung động được cá nhân hóa và gửi đến email của từng khách hàng để tạo lợi thế cạnh tranh với các đối thủ trên thị trường. Trên thực tế, kể từ năm 2015, Adidas đã tăng trưởng trung bình 17,6% mỗi năm, trong khi mức tăng trưởng của Nike là khoảng 6,8% mỗi năm. Doanh số bán hàng thương mại điện tử của công ty là một trong những yếu tố then chốt đằng sau sự tăng trưởng đáng kể này. Và doanh số bán hàng của họ đã tăng lên phần lớn nhờ vào các phương pháp tiếp thị kỹ thuật số cũng như chiến dịch email marketing hiện đại.
Chìa khóa cho các chiến dịch tiếp thị qua email thành công của họ là cá nhân hóa. Khi tiếp cận khách hàng trên khắp thế giới, họ gửi hàng triệu email nhắm mục tiêu đến sở thích và thị hiếu cụ thể của từng khách hàng trong danh sách email với nội dung và ưu đãi phù hợp. Để tạo nội dung được cá nhân như vậy, Adidas đã xem xét tất cả dữ liệu họ có sẵn, chẳng hạn như vị trí địa lý, ngôn ngữ và lịch sử mua hàng. Từ đó, họ đề xuất các mặt hàng khác cho người mua sắm. Chiến dịch này của họ còn đặc biệt thành công trong đại dịch COVID-19 - thời điểm mà hầu hết mọi người không mua sắm tại các cửa hàng và nhiều công ty cần tiếp cận khách hàng theo những cách mới.
Trong ví dụ dưới đây, Adidas sử dụng văn bản tối thiểu để đưa ra các đề xuất dành riêng cho khách hàng và không đề cập đến giá cả trong email. Nó dựa vào hình ảnh sản phẩm để thu hút khách hàng và khơi gợi sự quan tâm của họ đối với email quảng cáo này.
7. Quan hệ công chúng (Public relations campaign)
Các chiến dịch quan hệ công chúng giúp các công ty thông báo về một sự kiện hoặc ra mắt sản phẩm. Ý tưởng đằng sau loại hình tiếp thị này là bằng cách tung ra một chiến dịch tạo ra những giá trị cho cộng đồng, xã hội, thông điệp của bạn sẽ được lan tỏa đến với lượng khán giả lớn hơn. Tất nhiên, ngoài ra, mục tiêu cuối cùng của các loại chiến dịch này là thu hút sự chú ý của một đối tượng khác, đó là giới truyền thông. Chiến dịch PR thông minh sẽ tạo ra một góc độ đáng tin cậy mà các tổ chức truyền thông có thể biến nó thành một câu chuyện và tạo ra nhiều tiếng vang hơn xung quanh thương hiệu của bạn.
Ví dụ gần đây nhất là chiến dịch “Airbnb.org for Ukraine Campaign” của Airbnb. Như nhiều người đã biết, năm 2022, Ukraine chìm trong chiến tranh. Hàng triệu người đã mất nhà cửa và việc làm. Trước tình hình đó, Airbnb đã hợp tác với các tổ chức phi lợi nhuận quốc tế và khu vực cũng như chính phủ các nước để cung cấp nhà ở miễn phí cho tối đa 100.000 người tị nạn. Ngay sau đó, hơn 28.000 người dùng đã đăng ký thông qua Airbnb.org để hỗ trợ nhà ở tạm thời cho những người khác. Trong khi đó, những nhà sáng lập Airbnb còn cam kết quyên góp lên tới 10 triệu đô-la. Ngoài ra, nhờ sự lan truyền và chia sẻ mạnh mẽ của công chúng trên mạng xã hội, mọi người trên khắp thế giới bắt đầu đặt phòng tại các khách sạn ở Ukraine như một cách để hỗ trợ các chủ nhà trong cuộc xung đột.
8. Khởi chạy sản phẩm mới (Product launch campaign)
Các chiến dịch ra mắt sản phẩm đóng vai trò quan trọng trong sự thành công của bất kỳ một sản phẩm hay dòng sản phẩm mới nào đối với mỗi doanh nghiệp. Để thực hiện đúng chiến dịch ra mắt sản phẩm bạn cần nhắm đúng đối tượng mục tiêu đồng thời khiến hào hứng bằng những chương trình ưu đãi, cách kể chuyện khơi gợi sự tò mò hay tính năng mới vượt trội,...
Apple là một trong những doanh nghiệp cực chuyên nghiệp và thành thạo trong việc kể chuyện, tận dụng tiếp thị truyền miệng để tạo ra được tiếng vang cho các lần ra mắt sản phẩm mới. Cụ thể, trước khi tung ra một sản phẩm mới, Apple luôn đảm bảo giữ bí mật tuyệt đối về nó. Điều này khiến người tiêu dùng và các phương tiện truyền thông bắt đầu đưa ra các suy đoán và đồn thổi về sự kiện ra mắt. Không chỉ vậy, trong các buổi ra mắt sản phẩm, nhân viên của Apple sẽ không nói nhiều về các chi tiết và tính năng kỹ thuật. Thay vào đó, Apple sẽ cho bạn biết sản phẩm mới của họ sẽ phù hợp hay cải thiện cuộc sống của bạn như thế nào.Tất cả những điều đó đã giúp các sản phẩm mới của Apple ngay lập tức nhận về những phản ứng tích cực của khách hàng. Không những vậy, nhờ chiến dịch này, Apple còn tiết kiệm được khoản ngân sách quảng cáo tương đối lớn so với các đối thủ cạnh tranh.
Hãy lấy việc ra mắt AirPods Pro làm ví dụ về một sản phẩm được “thổi phồng” thành công trước khi ra mắt. Trong giai đoạn trước khi ra mắt, Apple đã đặt các áp phích không có nhãn hiệu hay bất cứ thông tin gì liên quan đến dòng sản phẩm của họ tại các địa điểm khác nhau trên khắp thế giới. Sau đó, sau khi ra mắt, các áp phích đã được thay thế bằng ảnh của những người mẫu đeo AirPods Pro.
9. Tiếp thị giới thiệu (Referral marketing campaign)
Các chương trình tiếp thị giới thiệu là một trong những cách quảng bá sản phẩm/dịch vụ mà cả doanh nghiệp và khách hàng đều được hưởng lợi. Cụ thể, thông qua các chiến dịch referral marketing, doanh nghiệp khuyến khích khách hàng của họ giới thiệu một hay nhiều sản phẩm/dịch vụ mà họ yêu thích cho bạn bè, gia đình, người thân bằng hình thức truyền miệng. Sau đó, khách hàng sẽ nhận được phần thưởng, hoa hồng của công ty cho nỗ lực đó.
Sự thành công của các chương trình tiếp thị giới thiệu nằm ở sự tin tưởng của khách hàng dành cho bạn bè, gia đình, người thân của họ về các đề xuất sản phẩm/dịch vụ mới hơn nhiều so với khi các công ty tự quảng cáo họ. Thật vậy, theo nghiên cứu của Nielsen, 9 trên 10 khách hàng tin tưởng vào những đề xuất, gợi ý từ bạn bè, người thân của họ. Trong khi đó, theo nghiên cứu của Convince & Convert, 83% khách hàng tiết lộ rằng nhiều khả năng họ sẽ quyết định mua một sản phẩm/dịch vụ khi được bạn bè hoặc người thân đề xuất. Rõ ràng, một chương trình tiếp thị giới thiệu thành công có thể giúp doanh nghiệp bạn tiếp cận, mở rộng tệp khách hàng tiềm năng.
Nhờ những lợi ích nổi bật kể trên, đây là chiến lược tiếp thị được nhiều các công ty toàn cầu như Uber, Google, Amazon Prime, Airbnb,... sử dụng để xây dựng cơ sở khách hàng của họ. Để hiểu rõ hơn, Ori sẽ phân tích chương trình tiếp thị giới thiệu của Airbnb. Airbnb đã tạo một chương trình tiếp thị giới thiệu để thu hút những người đang thuê nhà cũng như những người đang có ý định thuê một nơi nào đó để ở.
Cụ thể, nền tảng thuê homestay trực tuyến này đã khuyến khích cả chủ nhà và khách hàng mời bạn bè của họ sử dụng Airbnb. Nếu ai đó trong số họ giới thiệu thành công một người quen của họ với Airbnb, họ sẽ nhận được 40 đô-la trong tài khoản tín dụng của Airbnb. Nếu người được giới thiệu chọn đặt một chuyến đi qua Airbnb, người giới thiệu kiếm được 20 đô-la. Trong khi đó, với những người được giới thiệu chọn trở thành chủ nhà (host), người giới thiệu sẽ kiếm được 75 đô-la. Không những vậy, người giới thiệu có cơ hội kiếm được 95 đô-la nếu họ hoàn thành được cả hai nhiệm vụ trên.
Rõ ràng, nhờ chiến lược này mà Airbnb đã thành công tiếp cận hiệu quả đến những đối tượng khách hàng tiềm năng mới. Đồng thời, nó cũng khuyến khích khách hàng cũ tiếp tục sử dụng Airbnb trong khi mời bạn bè đặt phòng.
10. Tối ưu hóa công cụ tìm kiếm (SEO campaign)
Các chiến dịch tối ưu hóa công cụ tìm kiếm (SEO Campaign) giúp doanh nghiệp thúc đẩy lưu lượng truy cập tự nhiên vào website dựa trên ý định tìm kiếm của người dùng (search intent), từ khóa, nội dung.
Để nội dung về doanh nghiệp bạn được xếp hạng cao trên các công cụ tìm kiếm, bạn cần tối ưu hóa các yếu tố như tiêu đề, metadata và từ khóa. Ngoài ra, độ uy tín của tên miền, tốc độ tải trang và một số yếu tố khác cũng sẽ ảnh hưởng đến thứ hạng bài viết trên các công cụ tìm kiếm phổ biến.
Chẳng hạn như OVME - một phòng khám thẩm mỹ y tế đã sử dụng chiến dịch SEO để thu hút thêm lưu lượng truy cập tự nhiên vào trang web của mình. Công ty tập trung vào việc đơn giản hóa website, tối ưu hóa tiêu đề, thẻ alt, đánh dấu dữ liệu có cấu trúc (schema markup), nội dung trang, metadata bao gồm các từ khóa mà khách hàng tiềm năng có thể sử dụng trong các truy vấn tìm kiếm. Kết quả, trong vòng 3 tháng, lưu lượng truy cập tự nhiên vào website của OVME tăng 10%. Không chỉ vậy, lượng đặt phòng trực tuyến cũng tăng hơn 1.000%.
Như vậy, tóm lại, việc thực hiện các thay đổi SEO đơn giản trên website có thể giúp bạn tăng đáng kể số lượng người truy cập cũng như tỷ lệ chuyển đổi.
11. Tiếp thị hợp tác (Partner marketing campaign)
Tiếp thị hợp tác giữa các doanh nghiệp là hình thức đã xuất hiện từ những năm 90 và ngày càng trở được nhiều các doanh nghiệp lớn áp dụng. Ý tưởng đằng sau loại chiến dịch tiếp thị này là cả hai doanh nghiệp đều có thể hưởng lợi từ cơ sở khách hàng của nhau, mức độ ảnh hưởng của thương hiệu,... Chiến dịch tiếp thị này thật sự là phương pháp hoàn hảo để các doanh nghiệp có thể nhanh chóng mở rộng hoạt động kinh doanh, tiếp cận tệp khách hàng mới tiềm năng cũng như tấn công vào thị trường mới.
Hợp tác thương hiệu giữa Apple và MasterCard trong chiến dịch “Apple Pay” là một ví dụ điển hình. Dù hai doanh nghiệp không cung cấp cùng sản phẩm/dịch vụ nhưng thông qua việc hợp tác với nhau, họ đã tạo ra thói quen mua sắm và thanh toán mang tính cách mạng. Cụ thể, khi Apple phát hành Apple Pay, họ hy vọng sẽ thay đổi và biến các giao dịch mua và thanh toán của khách hàng trở nên dễ dàng hơn. Tuy nhiên, Apple không có công nghệ và khả năng thực hiện các giao dịch thanh toán độc lập vì vậy họ cần phải hợp tác với một công ty thẻ tín dụng lúc bấy giờ. Chớp lấy thời cơ, Mastercard đã đăng ký Apple Pay và trở thành công ty đầu tiên cho phép khách hàng thanh toán bằng điện thoại hoặc Apple Watch của họ.
12. Tiếp thị đàm thoại (Conversational marketing campaign)
Không giống như tiếp thị truyền thống chủ yếu dựa vào quảng cáo trên TV, biển quảng cáo, báo chí, thư tín,... mà khách hàng đã “phát ngán”, tiếp thị trò chuyện cho phép các thương hiệu có những cuộc trò chuyện trực tiếp, cá nhân hóa, phù hợp với khách hàng của họ trên các kênh khác nhau. Cụ thể, thay vì yêu cầu khách hàng để lại email, thông tin liên lạc hoặc gọi cho đường dây hỗ trợ khách hàng, doanh nghiệp sẽ chủ động tương tác với khách truy cập bằng cách sử dụng các cuộc trò chuyện tự động, trò chuyện trực tiếp hoặc kết hợp cả hai phương pháp đó. Qua đó, doanh nghiệp sẽ dễ dàng kết nối và tạo ra những trải nghiệm tuyệt vời cho khách hàng.
Có lẽ, trò chuyện trực tiếp (Live chat) và chatbot là những điều đầu tiên bạn nghĩ đến khi nói đến tiếp thị đàm thoại. Tuy nhiên, chiến lược này còn nhiều hơn hai công cụ này và nó có thể được mở rộng sang phương tiện truyền thông xã hội, cuộc gọi điện thoại, SMS hay IMs.
Để dễ hiểu hơn hãy cùng Ori tham khảo cách eBay đã triển khai chiến dịch này.
Sớm nhận ra sự thay đổi trong cách người tiêu dùng thích ứng và thay đổi thói quen, hành vi tìm kiếm bằng giọng nói, eBay ngay lập tức vạch ra những chiến lược kịp thời. Trả lời phỏng vấn của CNBC từ Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Thụy Sĩ, giám đốc eBay Devin Wenig khẳng định: “Cách thức tương tác của con người với máy tính đang thay đổi nhanh chóng. Hoạt động này chuyển từ dạng văn bản sang hình ảnh và giờ đây là thông qua giọng nói”.
Chính vì thế, eBay đã hợp tác với Google và cho ra mắt eBay’s Google Assistant App. Ứng dụng trợ lý ảo này cho phép khách hàng tìm kiếm bằng giọng nói. Không những vậy, nó còn hỏi khách hàng thêm một vài câu hỏi nhằm thu hẹp phạm vi tìm kiếm và trả về các kết quả liên quan nhất. Sau khi tìm thấy giao dịch tốt nhất, chatbot sẽ tự động hỏi khách hàng có muốn gửi kết quả đến điện thoại thông minh của họ để hoàn tất giao dịch mua sắm.
13. Tiếp thị qua người có sức ảnh hưởng (Influencer marketing campaign)
Trong những năm trở lại đây, các chiến dịch tiếp thị thông qua các cá nhân có sức ảnh hưởng (influencer) ngày càng phổ biến và được nhiều doanh nghiệp lớn nhỏ áp dụng. Thay vì yêu cầu khách hàng giới thiệu sản phẩm của bạn cho gia đình và bạn bè, các thương hiệu sẽ hợp tác với một người có ảnh hưởng đến tệp khách hàng mục tiêu của họ trên mạng xã hội để giới thiệu sản phẩm. Nếu chiến dịch thành công, bạn chắc chắn sẽ giới thiệu thương hiệu của mình tới hàng nghìn hoặc hàng triệu khách hàng mới.
Thật vậy, các chuỗi thương hiệu đồ ăn nhanh từ lâu đã tận dụng sức ảnh hưởng và độ tin cậy từ những người nổi tiếng cho các chiến dịch tiếp thị. Chẳng hạn, vào năm 2020, McDonald's đã bắt tay vào hợp tác với rapper Travis Scott. Không giống như các mối quan hệ hợp tác với người nổi tiếng trước đây, sự hợp tác của McDonald's và Travis Scott có điểm chung về mục tiêu nhân khẩu học, cụ thể là người tiêu dùng trẻ tuổi từ 11 đến 24 tuổi. Việc hợp tác với Travis Scott, McDonald's thành công cải thiện hình ảnh của mình phù hợp với đối tượng người tiêu dùng trẻ tuổi. Đồng thời, “phi vụ” hợp tác này còn giúp chuỗi cửa hàng đồ ăn nhanh toàn cầu bắt kịp với các xu hướng tiếp thị mới mà các đối thủ cạnh tranh đã áp dụng.
14. Tiếp thị sản phẩm bằng video (Video marketing campaign)
Theo báo cáo của Think with Google, hiện mỗi tháng, có 2 tỷ người truy cập YouTube để tìm kiếm các thương hiệu mới, cảm hứng hay lời khuyên để họ có thể tự tin đưa ra quyết định mua hàng của mình. Chính vì vậy, tiếp thị bằng video là một công cụ mạnh mẽ mà mọi doanh nghiệp hay các nhà tiếp thị nên ưu tiên sử dụng. Giống như các loại chiến dịch khác mà Ori đã đề cập trong bài viết này, tiếp thị video có thể giúp các doanh nghiệp đạt được một số mục tiêu từ xây dựng nhận thức về thương hiệu cho đến thúc đẩy tăng trưởng doanh số bán hàng. Tuy nhiên, khác với các hình thức tiếp thị đã kể trên, điểm đặc biệt của các chiến dịch tiếp thị video nằm ở sự đơn giản của chúng. Bởi hình thức này giúp khán giả tiếp thu nội dung một cách dễ dàng mà không cần mất thời gian để đọc hay cuộn qua nhiều thông tin.
Chính vì những lợi ích kể trên, đây cũng loại chiến dịch marketing phổ biến được nhiều doanh nghiệp lớn nhỏ thường xuyên sử dụng để tạo kết nối cảm xúc mạnh mẽ với khách hàng. Một số cái tên tiêu biểu như Dove, Coca-Cola, Google,... Để hiểu rõ hơn, hãy cùng Ori xem xét và phân tích chiến dịch “25,915 Days” của Reebok.
Video “25,915 Days” của Reebok cho thấy rằng, đôi khi, những thông điệp mạnh mẽ nhất không cần phải thể hiện trực tiếp thông qua bất kỳ từ ngữ hay lời nói nào. Khi theo dõi video, người xem sẽ thấy những người phụ nữ đang chạy trong các bối cảnh khác nhau cùng với đó là các con số ngẫu nhiên xuất hiện trên màn hình. Có lẽ ban đầu, nhiều người sẽ cảm thấy bối rối và khó hiểu nhưng khi theo dõi đến cuối, người xem sẽ hiểu rằng những con số này là số ngày mà những người phụ nữ đó được sống trên cuộc đời. Đoạn video kết thúc với hình ảnh một căn phòng đầy những em bé sơ sinh cùng với một thông điệp giải thích cho tên gọi của chiến dịch: Con số 25.915 ngày tượng trưng cho tuổi thọ trung bình của một người. Qua đó, nó chiến dịch đưa ra một tuyên bố thầm lặng nhưng đầy mạnh mẽ về cách chúng ta nên "tôn vinh cơ", chân trọng cuộc sống hiện đại và tận hưởng trọn vẹn cuộc sống.
Rõ ràng chỉ với một đoạn video ngắn vỏn vẹn 1 phút 16 giây, những Reebok đã thực sự kết nối thành công với cảm xúc của khách hàng. Là con người, ai cũng ý thức được thời gian hữu hạn được sống trên Trái đất này nhưng phần lớn mọi người sẽ cố lờ đi điều này. Tuy nhiên, chiến dịch của Reebok đã nhắc nhở mọi người rằng chính vì thời gian được sống và tồn tại là hữu hạn nên chúng ta cần tận dụng nó một cách tối đa, sống vui vẻ và tận hưởng hơn.
15. Tiếp thị du kích (Guerilla marketing campaign)
Thuật ngữ “Guerilla marketing” xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1984 trong cuốn sách cùng tên của Jay Conrad Levinson - phó chủ tịch cấp cao của J. Walter Thompson, thành viên hội đồng quản trị của Leo Burnett Advertising. Nhận ra rằng, người tiêu dùng ngày cảm thấy mệt mỏi và khó chịu với các quảng cáo xuất hiện lặp đi lặp lại trên TV, báo chí hay các nhiều phương tiện truyền thông khác. Vì vậy, Levinson đã đề xuất rằng các chiến dịch marketing cần phải tạo ra những yếu tố mới mẻ, độc đáo, bất ngờ, tinh tế để khán giả cảm thấy hứng và tiếp nhận thông tin một cách tự nhiên cũng như ghi nhớ về nhãn hàng. Và tiếp thị du kích đáp ứng được những điều kể trên. Ngoài ra, chiến lược này còn giúp các doanh nghiệp có thể tiết kiệm được một khoản lớn cho ngân sách marketing trong khi có thể tạo ra tiếng vang, tăng tỷ lệ tương tác và thúc đẩy doanh số bán hàng.
Chẳng hạn như năm 2009, Colgate đã triển khai một chiến dịch quảng cáo rất thú vị và sáng tạo để quảng bá thương hiệu cũng như nhắc nhở mọi người đánh răng sau khi ăn đồ ngọt. Hãng kem đánh răng “quốc dân” này đã khéo léo quảng cáo các sản phẩm vệ sinh răng miệng của họ. Cụ thể, thương hiệu này đã sử dụng những thanh gỗ được thiết kế giống như chiếc bàn chải đánh răng với dòng chữ “Don’t Forget" (tạm dịch: “Đừng quên”) cùng với logo Colgate. Sau đó, họ đã nhét chúng vào trong mỗi cây kem làm cán cầm. Và vì vậy, khi người tiêu dùng thưởng thức xong những que kem thì họ sẽ nhìn thấy lời nhắc nhở không quên đánh răng từ Colgate. Chiến dịch quảng cáo đầy sáng tạo này là đã tạo ra sự bất ngờ, ngạc nhiên cho khách hàng qua đó truyền tải thành công thông điệp của Colgate để nhắc nhở cả người lớn và trẻ em về tầm quan trọng của việc chải răng thường xuyên.
16. Gửi thư trực tiếp (Direct mail marketing campaign)
Đôi khi các tác phẩm kinh điển không thể bị đánh bại. Tương tự vậy, có một số chiến lược marketing truyền thống, lâu đời cũng khó có thể bị thay thế bởi các phương pháp tiếp thị hiện đại.
Và hình thức gửi thư trực tiếp chẳng hạn như bưu thiếp, thư hoặc catalogs,... đến một nhóm khách hàng cụ thể là một trong những chiến dịch marketing truyền thống nhưng vẫn mang lại hiệu quả tốt. Bởi đây là chiến lược tiếp thị có tính cá nhân hóa cao để phù hợp với sở thích, đặc điểm nhân khẩu học của người nhận. Đồng thời, nó còn rất hiệu quả để quảng bá sản phẩm, dịch vụ hoặc sự kiện. Tiếp thị qua thư truyền thống có thể đạt hiệu quả cao trong việc tiếp cận các đối tượng cụ thể và tạo ra phản hồi, đặc biệt khi được kết hợp với các nỗ lực tiếp thị kỹ thuật số.
Để dễ hình dung hơn, Ori mời bạn cùng tham khảo cách triển khai hình thức quảng cáo này của BMW. Cụ thể, BMW muốn thực hiện một chiến dịch tiếp thị độc đáo để quảng cáo lốp xe mùa đông cho thị trường Canada. Sau đó, hãng xe này đã thực sự tạo ra một chiến dịch làm nổi bật khả năng hoạt động của lốp xe bằng một mẩu thư tương tác. Cụ thể, BMW đã sử dụng một mấu kéo đục lỗ mô phỏng chiếc BMW đang lái xe dễ dàng trên tuyết. Sau khi kéo chiếc xe ra khỏi lá thư, khách hàng của họ sẽ nhận được những thông tin giới thiệu về sản phẩm đó.
Nguồn biên tập: Ori Marketing Agency