Giữa tháng 5/2020, cà phê Ông Bầu, một thương hiệu chuỗi cà phê mới, với sự hậu thuẫn của 3 ông bầu: bầu Đức (Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai), bầu Thắng (Võ Quốc Thắng, Chủ tịch Công ty Đồng Tâm) và bầu Hải (Trần Thanh Hải, Chủ tịch NutiFood) đã có mặt tại Bình Dương. Tính chung, chuỗi cà phê Ông Bầu đã lan rộng ra hàng chục tỉnh thành (TP.HCM, Long An, Tiền Giang, Cần Thơ, Huế, Quảng Ngãi, Hà Nội, Bình Dương…), tại gần 100 điểm bán. So với thời gian mới xuất hiện trên thị trường khoảng 4 tháng, tốc độ mở rộng của chuỗi Ông Bầu là một thành công đáng chú ý.
Theo chia sẻ của đại diện NutiFood, bên cạnh các quán cà phê tự quản lý, Ông Bầu sẽ nhượng quyền theo cả 3 mô hình gồm xe lưu động, quán cà phê bình dân và quán cà phê cao cấp dành cho giới trẻ. Vì thế, mục tiêu mở rộng chuỗi cà phê lên 1.000 cửa hàng ngay trong năm nay là khả thi. Xa hơn, NutiFood đặt kỳ vọng mở 10.000 quán vào năm 2025.
Không chỉ NutiFood, Vinamilk cũng không từ bỏ “giấc mơ cà phê”. Tại Đại hội cổ đông vừa qua, Vinamilk đã thông tin chi tiết về dự án chuỗi cửa hàng bán lẻ cà phê, đồ uống và một số thức ăn kèm theo mang thương hiệu Hi-Café. Tuy nhiên, như bà Mai Kiều Liên, CEO Vinamilk, chia sẻ, Công ty không chi tiền thuê mặt bằng mà sẽ tận dụng 430 cửa hàng Giấc mơ sữa Việt đang hiện diện trên cả nước để phát triển Hi-Café. Tại Hi-Café, Vinamilk dự tính pha chế cà phê bằng các nguyên liệu của Vinamilk mà sữa là chính, cà phê là phụ.
Tương tự, Nestlé đang thử nghiệm mô hình Nescafé Hub. Quán Nescafé Hub thứ 2 của Nestlé đã được mở tại TP.HCM, sau khi ra mắt quán đầu tiên tại Hà Nội. Đây được xem là nơi để khách hàng trải nghiệm tất cả các sản phẩm của Nestlé. Nestlé chưa có thông báo gì thêm về các kế hoạch mở rộng nhưng cho biết, Công ty sẽ căn cứ phản hồi của khách hàng tại 2 quán Nescafé Hub rồi mới tính tiếp. Dù vậy, khi nhìn vào chuỗi Nescafé Hub của Nestlé ở Thái Lan và Malaysia, người ta có thể dự đoán được tính khả thi của mô hình Nescafé Hub. Đây là mô hình quán cà phê kiểu kiosk, take-away, nhắm vào phân khúc bình dân và đặt ở những vị trí thuận tiện như tại các toà nhà văn phòng, trạm xe bus/ tàu điện ngầm, chợ, ngay góc đường, vỉa hè, trường học...
Thời gian qua, mô hình chuỗi cà phê kiosk, take-away nở rộ tại Việt Nam và ăn nên làm ra. Guta là một điển hình khi doanh thu tăng khoảng 200-300%/năm. Ông Nguyễn Minh Thế, CEO Guta, cho biết: “Guta kỳ vọng giữ được mức tăng trưởng này và mở rộng nhận diện thương hiệu trong vài năm tới”. Theo thông tin công bố, Công ty đang có gần 60 cửa hàng, ở cả 3 mô hình cửa hàng, xe đẩy, kiosk, chủ yếu tại TP.HCM. Guta có kế hoạch mở rộng chuỗi về các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và khắp miền Nam.
Cùng với Guta, trong phân khúc bình dân là hàng loạt chuỗi cà phê khác. Có thể kể đến E-Coffee của Trung Nguyên, với hàng trăm cửa hàng các loại. Thông qua mô hình nhượng quyền không lấy phí và chi phí đầu tư ban đầu khá mềm (80-210 triệu đồng/cửa hàng), E-Coffee hướng tới mục tiêu mở rộng chuỗi lên 3.000 cửa hàng. Milano, Napoli Coffee đã mở được hàng ngàn cửa hàng khắp toàn quốc. Hay Laha, Aha Cafe, Viva Star Coffee, Coffee Bike... cũng là những đối thủ của các chuỗi cà phê mới.
Có thể thấy, các hãng đã không chọn phân khúc cao cấp để chuyển đổi. Bởi mô hình cửa hàng cà phê cao cấp thường tốn kém chi phí và đó là lý do vì sao nhiều thương hiệu nước ngoài như Burger King, Gloria Jeans & Tea Leaf và Caffe Bene thất bại ở thị trường Việt Nam. Ngoài ra, theo chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang: “Người tiêu dùng Việt Nam đang muốn mua thực phẩm và đồ uống càng thuận tiện càng tốt”.
Nắm bắt xu hướng mới và cũng để tối ưu hoá hoạt động, Highlands Coffee, một trong những chuỗi cà phê lớn nhất Việt Nam đã triển khai chiến dịch cà phê mang đi và tìm đặt những quầy cà phê ngoài vỉa hè trên một số tuyến phố tại TP.HCM. Hay Passio, Vinacafé cũng đặt các quầy cà phê buổi sáng tại một số tuyến phố đông đúc và tìm cách tiếp cận khách hàng trẻ.
Cách thức này được giới chuyên gia đánh giá là linh hoạt, sáng tạo và phù hợp. Ngoài ra, thị trường chuỗi cà phê và trà Việt Nam có quy mô khoảng 1 tỉ USD/năm (theo Euromonitor) lại chưa có tên tuổi nào giành thị phần áp đảo (HighLands Coffee, Starbucks, The Cofee House, Phúc Long, Trung Nguyên chỉ chiếm 15,3 % thị phần).
Các chuỗi cà phê mới xuất hiện còn có thể tận dụng thế mạnh nguồn nguyên liệu sẵn có để thoả mãn nhu cầu thưởng thức cà phê chất lượng của khách hàng cũng như kiểm soát chi phí, giá cả. Chẳng hạn, nông trại cà phê CaDa, rộng hơn 4.000ha, với công suất 11.000 tấn cà phê/năm của NutiFood hứa hẹn tạo ưu thế cạnh tranh cho chuỗi Ông Bầu.
Hay chuỗi này có thể kiểm soát chất lượng chuỗi nhượng quyền thông qua tận dụng đội ngũ 2.500 nhân viên bán hàng, phát triển thị trường của NutiFood. Đặc biệt, Ngân hàng Kiên Long, nơi bầu Thắng từng làm Chủ tịch, có thể đóng vai trò hỗ trợ nguồn vốn vay cho các đối tượng muốn tham gia mạng lưới nhượng quyền Ông Bầu.
Về mặt thương hiệu, sự cộng hưởng của 3 nhân vật nổi cộm trong làng tài trợ bóng đá đã giúp chuỗi Ông Bầu mau chóng được nhận biết. Đó là lý do ông Hoàng Tùng, chủ Pizza Home, cũng là người có nhiều quan sát, nghiên cứu lĩnh vực F&B, tin rằng chuỗi Ông Bầu có khả năng thắng lớn trong cuộc so kè với các chuỗi cà phê cùng phân khúc.
Viết Nguyên
* Nguồn: Nhịp cầu Đầu tư
Đánh giá
Email: hello@fnbdirector.com
Copyright @2014 FNB DIRECTOR - HoReCa Business School