Phú Quốc “ế khách”: Cái kết đã được báo trước?
Khép lại một năm 2022 được đánh giá là thành công, Phú Quốc chứng kiến sự sụt giảm lượng khách trong năm 2023. “Cú sốc” đầu tiên đến vào dịp nghỉ lễ 30.4 - 1.5, khi công suất phòng khách sạn trên đảo chỉ đạt hơn 50%.
Địa phương, hàng không, khách sạn, khu du lịch ra sức kích cầu để hút khách, nhưng không có tín hiệu khả quan nào đến trong suốt 3 tháng hè hay kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2.9. Đơn cử, mới đây Phú Quốc chỉ đón khoảng hơn 62.000 lượt khách trong kỳ nghỉ 2.9, giảm 26,5% so với cùng kỳ năm 2022 và chỉ có khoảng 5.700 lượt khách quốc tế. Lượng khách lưu trú giảm hơn 38% và công suất phòng chỉ đạt khoảng 27%.
Đánh giá số liệu, ông Đặng Mạnh Phước, nhà đồng sáng lập và giám đốc Công ty nghiên cứu Outbox, phân tích, trong số 4,7 triệu lượt khách mà đảo ngọc Phú Quốc đón được trong năm 2022, có đến 96% là khách du lịch nội địa. “Điều này cho thấy khác với một số điểm đến tương đồng trong khu vực như Phuket, Bali thì Phú Quốc vẫn phụ thuộc gần như hoàn toàn vào thị trường khách nội địa”, ông nói.
Ông thẳng thắn bày tỏ: “Tôi cho rằng sự sụt giảm lượng khách ở Phú Quốc trong năm nay là vấn đề đã được dự báo và cảnh báo từ giai đoạn cuối năm 2022 chứ không hẳn là một cú sốc bất ngờ. Nguyên nhân của sự sụt giảm này có thể nói chủ yếu đến từ các nguyên nhân chủ quan là những hạn chế yếu kém và sai lầm của chính du lịch Phú Quốc trong công tác quy hoạch, phát triển sản phẩm và đánh giá thị trường”.
“Nhìn rộng ra, ở góc độ quản lý du lịch, du lịch Phú Quốc đang không có một chiến lược phát triển tổng thể chung cho toàn bộ điểm đến; trong đó xác định rõ định hướng phát triển sản phẩm, thương hiệu, truyền thông hay thị trường mục tiêu của đảo ngọc. Việc phát triển và phục hồi du lịch Phú Quốc dường như đang được thả nổi cho bản thân các doanh nghiệp địa phương tự tìm cách mà thiếu tính kết nối tổng thể”, ông nói.
Nhìn từ góc độ một chuyên gia nghiên cứu, PGS.TS. Phạm Hồng Long, Trưởng Khoa Du lịch học của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng những gì đang xảy ra với Phú Quốc là câu chuyện đã được bàn luận từ lâu.
Ông chỉ ra một vấn đề về nhân sự của ngành du lịch địa phương. “Lao động trong lĩnh vực du lịch từ các địa phương khác đổ về Phú Quốc, trong khi có rất nhiều lao động trình độ cao thì một phần không nhỏ nhân sự không có đủ kỹ năng, kiến thức để phục vụ khách du lịch. Tình trạng này dẫn đến mất cân bằng, cạnh tranh không lành mạnh giữa các đơn vị cung ứng dịch vụ khác nhau”.
Phú Quốc có nhiều thứ, nhưng thiếu “hình ảnh điểm đến”
Không thể phủ nhận, Phú Quốc gần đây trở thành ngôi sao đang lên trên bản đồ du lịch quốc tế. Truyền thông quốc tế đang đánh giá cao Phú Quốc.
Hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap ca ngợi đảo ngọc là Maldives của Việt Nam. Tạp chí du lịch nổi tiếng thế giới Condé Nast Traveler vinh danh Phú Quốc trong top đảo đẹp nhất châu Á năm 2023 do độc giả toàn cầu bình chọn… Thậm chí, tờ báo uy tín của Singapore Channel News Asia khẳng định Phú Quốc là điểm đến có thể thay thế Phuket và Bali trong lòng khách quốc tế.
Đánh giá sơ lược, Bali, Phuket hay Phú Quốc đều là các hòn đảo biệt lập, cảnh quan thiên nhiên quyến rũ, sở hữu những lợi thế đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí… của khách quốc tế.
Tuy nhiên, nếu so sánh với Phuket hay Bali, ngành du lịch Phú Quốc còn nhiều việc phải làm ngay cả khi đã được đầu tư thêm rất nhiều trong suốt những năm qua. Đó là cả câu chuyện quảng bá, xúc tiến, quản lý điểm đến, sự đồng lòng của bốn trụ cột du lịch: chính quyền, doanh nghiệp, người dân địa phương và du khách.
“Du lịch Phú Quốc đang có rất nhiều thứ, nhưng lại thiếu cái quan trọng nhất, chính là hình ảnh điểm đến (destination image)”, theo đánh giá của ông Đặng Mạnh Phước. Chuyên gia này nhấn mạnh hình ảnh điểm đến chính là những bản sắc tạo nên giá trị riêng biệt của thương hiệu Phú Quốc.
“Ở góc độ khu vực, du lịch Phú Quốc từng xác định Phuket hay Bali là những đối thủ cạnh tranh trong khu vực. Nếu cần một mô hình điểm đến để học tập, du lịch Phú Quốc hoàn toàn có thể xem xét cách thức mà hai đối thủ cạnh tranh này đã và đang phát triển du lịch; từ đó kết hợp với những phân tích đánh giá nội tại để rút ra được cho mình những cách tiếp cận thích hợp”, ông Phước đề xuất.
Trước mắt, chuyên gia này cho rằng ngành du lịch Phú Quốc cần ưu tiên cho công tác thị trường để xác định rõ lại đối tượng thị trường mục tiêu, quy mô thị trường tiềm năng và nắm bắt chính xác tính hấp dẫn của điểm đến cũng như đo lường phản hồi của du khách để có cơ sở xây dựng các kế hoạch thị trường trong thời gian tới. Bên cạnh đó, các tồn tại trong công tác quản lý địa phương hiện tại cũng cần nhanh chóng được cải thiện để phục hồi được hình ảnh điểm đến.
Bàn về giải pháp cho ngành du lịch của đảo ngọc, PGS.TS. Phạm Hồng Long nhấn mạnh, đầu tiên địa phương cần xác định Phú Quốc muốn trở thành một điểm đến như nào, “giá trị cốt lõi” là gì.
Tiếp theo là rà soát hệ thống cơ sở vật chất mất cân bằng - dễ dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các nhà cung ứng dịch vụ khác nhau. Giá cả ở Phú Quốc cũng cần chấn chỉnh vì đang bị “búa xua”. Cuối cùng, điều rất quan trọng là sự phối kết hợp giữa bốn trụ cột chính: chính quyền, doanh nghiệp, người dân địa phương và du khách.
Từng dành thời gian dài nghiên cứu về du lịch tại Nhật Bản, ông Phạm Hồng Long đề cập đến câu chuyện phát triển du lịch bền vững ở xứ sở hoa anh đào. “Người Nhật có một triết lý sống nổi tiếng là omotenashi - nhắc đến lòng hiếu khách, phục vụ khách hàng tận tâm. Khi phát triển một điểm đến, người Nhật rất chú trọng nâng cao nhận thức, đào tạo nhân sự tại chỗ”.
PGS.TS. Phạm Hồng Long cho rằng, chỉ khi người dân một địa phương tự hào về quê hương xứ sở, họ mới có thể làm đẹp cho điểm đến. Còn nếu chỉ làm du lịch vì mục đích kinh tế, sớm muộn du khách cũng quay lưng.
Khép lại những đề xuất, ông Long trích dẫn một thông điệp rất tâm đắc từ Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan. Trong một hội thảo về du lịch tại Đồng Tháp - địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long rất gần với Phú Quốc, Bộ trưởng Lê Minh Hoan từng nhấn mạnh: “Phát triển du lịch là một hành trình dài và dày công, do đó cần phải thực hiện bài bản. Người làm du lịch cần loại bỏ suy nghĩ tự hài lòng với chính mình; cần chăm chút vào từng sản phẩm, không ngừng học hỏi và suy nghĩ để tạo sự bền vững trong phát triển du lịch. Phát triển du lịch không chỉ mang lại lợi ích cho nông dân mà còn là lòng tự hào quảng bá hình ảnh quê hương, xứ sở”.
Đó có lẽ là thông điệp dành cho Phú Quốc lúc này.
Nguồn: dulich.laodong.vn
Đánh giá
Email: hello@fnbdirector.com
Copyright @2014 FNB DIRECTOR - HoReCa Business School